Các đảng cầm quyền Nhật hôm nay (1/7) đã nhất trí "đại tu" chính sách an ninh hậu chiến, cho phép thực thi quyền phòng vệ chung bằng cách hiểu Hiến pháp hòa bình theo một cách khác.
Thủ tướng Abe
Hãng tin Kyodo đưa tin, nội các của Thủ tướng Abe được kỳ vọng sẽ phê chuẩn thay đổi trên vào cuối ngày hôm nay bất chấp những chỉ trích của công chúng lẫn bên trong khối cầm quyền rằng, điều 9 của Hiến pháp về phản đối chiến tranh sẽ bị vô hiệu hóa.
Thủ tướng Abe sẽ gặp lãnh đạo đảng New Komeito là Natsuo Yamaguchi, người bị buộc giảm nhẹ sự phản đối trong đảng, trước thềm cuộc họp của nội các và sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào chiều nay để giải thích quan điểm của ông về vấn đề gây tranh cãi này.
Đảng Dân chủ Tự do và đối tác trong liên minh là đảng Komeito mới đã đi tới thỏa thuận tại cuộc họp vào sáng nay, sau hơn một tháng bàn bạc về cách dỡ bỏ những cản trở pháp lý mà Hiến pháp áp đặt lên lực lượng phòng vệ. Thời gian qua, Thủ tướng Abe đã đẩy mạnh lập trường "chủ động đóng góp' cho an ninh và hòa bình thế giới của Nhật.
Nhật sẽ ấn định các điều kiện mới đối với việc sử dụng lực lượng phòng vệ, mở rộng khái niệm "tối thiểu" được phép theo luật tối cao, gồm cả các biện pháp phòng vệ chung hoặc bảo vệ đồng minh bị tấn công vũ trang.
Những người phản đối sự thay đổi này lập luận rằng các quy định mới sẽ để ngỏ khoảng trống cho phép hiểu Hiến pháp theo một cách khác đồng thời mở rộng việc sử dụng vũ lực mà không có giới hạn rõ ràng.
Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Masahiko Komura - chủ trì cuộc hội đàm liên minh, hôm nay, bày tỏ hy vọng Nhật sẽ tham gia các biện pháp an ninh của LHQ trong tương lai.
Theo dự thảo chờ nội các phê duyệt của chính phủ, nếu "sự tồn tại của đất nước bị đe dọa và quyền sống, tự do, theo đuổi hạnh phúc của người dân bị đe dọa do một cuộc tấn công vào Nhật hoặc quốc gia mà Nhật có qua hệ gần gũi", thì Nhật sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ chung.
Biện pháp phòng vệ chung là vấn đề nhạy cảm ở Nhật do Tokyo từ lâu đã duy trì một quyền lợi song không thể thực thi do hạn chế của Điều 9 trong hiến pháp), theo đó cấm dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế kể từ cuối Thế chiến II.
- Hoài Linh