Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch trấn áp an ninh quy mô lớn sau một chuỗi các vụ tấn công khủng bố mà nước này cho là do người Hồi giáo li khai tỉnh Tân Cương thực hiện.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Theo BBC, trong những tuần gần đây, hàng trăm nghi phạm đã bị bắt và nhiều bản án đã được tuyên.

Một trong những vụ kinh hoàng nhất là khi ba người đàn ông và một phụ nữ dùng dao đâm chết 29 người và làm bị thương hơn 100 người khác ở nhà ga Côn Minh hồi tháng 3.

{keywords}
Shi Xuefa không chắc em gái ông sẽ tỉnh lại. (Ảnh: BBC)

Một trong số các nạn nhân của vụ này là Shi Kexiang, bị chém ngang cổ bởi hung thủ mặc đồ đen mang kiếm. Đến nay, cô vẫn trong tình trạng hôn mê.

BBC cho biết, trong 4 tháng qua, ông Shi Xuefa túc trực bên giường bệnh, hy vọng Kexiang sẽ nghe tiếng mình. Các bác sĩ rất tốt bụng còn chính phủ cam kết thanh toán mọi phí tổn nhưng Xuefa không biết liệu em gái ông có tỉnh dậy nữa hay không.

Gia đình làm nông nghèo khó họ Shi này gặp tai ương khi họ vừa nghỉ làm ở công trường xây dựng nơi xa để trở về quê nhà. Tai họa đã vùi dập ngay cả những hy vọng mong manh nhất mà họ có trong đời.

{keywords}
Shi Kexiang bị chém ngang cổ và hiện vẫn đang hôn mê. (Ảnh: BBC)

Tốc độ, tính tàn bạo và bừa bãi của cuộc tấn công ở nhà ga thủ phủ tỉnh Vân Nam này đã làm rúng động Trung Quốc. Cảnh sát cho rằng các phần tử li khai người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là thủ phạm. Bỗng nhiên dư luận cảm thấy vấn đề Tân Cương giống như một mối đe dọa với tất cả mọi người ở tất cả các nơi thuộc đất nước Trung Quốc.

Trên truyền thông, một số ý kiến thậm chí còn gọi vụ việc này là vụ 11/9 của Trung Quốc.

{keywords}
Cuộc sống ở Côn Minh đã trở lại bình thường nhưng ký ức về vụ tấn công vẫn mới. (Ảnh: BBC)

Nhà ga Côn Minh hiện nay đang được áp dụng chế độ an ninh kiểu sân bay, với một lực lượng chống khủng bố được trang bị "tận răng" thực hiện các kỹ năng của họ.

Shi Xuefa trở lại hiện trường vụ án để mô tả những gì đã xảy ra. "Tôi vừa mang một số hành lý lên phòng đợi và Kexiang ở tầng dưới để trông số đồ đạc còn lại. Bỗng nghe thấy tiếng hét, tôi chạy xuống thì thấy mọi người chạy tán loạn. Nhưng có nhiều thi thể nằm trên sàn và tôi thấy em gái mình đang nằm trong vũng máu".

Trong khoảng 15 phút, Xuefa dùng tay cầm máu từ vết thương ở cổ cho em gái. Khi đội cấp cứu đến, họ hối hả đưa các nạn nhân lên xe buýt tới bệnh viện.

{keywords}
Vụ đâm dao đã cướp mạng sống của 29 người và làm bị thương hơn 100 người. (Ảnh: BBC)

Xuefa không mang trong mình lòng hận thù chống lại người Duy Ngô Nhĩ về những gì đã xảy ra, nhưng ông tin rằng bọn người sát nhân máu lạnh sẽ phải đối mặt với án tử hình.

"Trong cộng đồng Duy Ngô Nhĩ thì có nhiều người tốt hơn người xấu. Nhưng với những kẻ ác ôn, chính phủ phải trấn áp mạnh tay để dạy cho họ một bài học", Xuefa nói.

{keywords}
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng cho rằng người Duy Ngô Nhĩ li khai đã tấn công Quảng trường Thiên An Môn năm ngoái. (Ảnh: Reuters)

Nhận diện được người xấu mà không động chạm đến người tốt quả là một thử thách đối với những người hoạch định chính sách ở Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định gốc rễ của vấn đề nằm ở bên ngoài nước này, rằng li khai Hồi giáo đang lan từ Trung Á qua truyền thông xã hội để đầu độc những người Duy Ngô Nhĩ trẻ tuổi ở Tân Cương.

Và câu trả lời của Bắc Kinh là: tăng cường an ninh. Huấn luyện chống khủng bố được kết hợp triển khai cảnh sát vũ trang trên đường phố, cộng với khung hình phạt nặng dành cho những kẻ trao đổi tài liệu li khai trên mạng.

Và khi bạo lực ở Tân Cương vẫn tiếp tục và chiến dịch trấn áp leo thang thì cuộc sống của người Duy Ngô Nhĩ trên toàn Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, vì bất cứ ai cũng có thể trở thành nghi phạm khủng bố.

Thanh Hảo