Trung Quốc đang nỗ lực duy trì lòng tin của dân chúng vào an toàn thực phẩm, sau khi một lượng lớn sữa bột nhiễm melamine bị thu giữ tại các nhà xưởng ở một trong những thành phố lớn nhất nước này.

Các vụ thu giữ ở Trùng Khánh diễn ra 3 năm sau bê bối sữa Tam Lộc (Sanlu) năm 2008, trong đó 3 trẻ tử vong và 300.000 em khác bị bệnh vì uống phải sữa nhiễm hóa chất melamine.

Đợt phát hiện sữa độc mới nhất - lô hàng này dự kiến sẽ được dùng để làm kem và bánh ngọt - cho thấy chính phủ Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho chuỗi thực phẩm rộng lớn của nước này.

Trong một nỗ lực nhằm phục hồi lòng tin của người tiêu dùng, các nhà chức trách thành phố Trùng Khánh, nơi có 35 triệu dân, thông báo thực hiện chiến dịch diệt trừ gian lận thực phẩm và dược phẩm kéo dài 100 ngày.

Thông tin cho biết, hôm 27/4, khoảng 7.900 cảnh sát ở Trùng Khánh đã được triển khai để thực hiện các vụ tập kích nhằm vào 600 cơ sở tình nghi sản xuất hàng hóa và dược phẩm giả hoặc trái phép.

Trước đó, khoảng 917 trường hợp đã nằm trong diện điều tra ở Trùng Khánh, theo tin tức báo chí địa phương, trong đó có việc sử dụng thuốc nhuộm vải Rhodamine B trong tương đậu, formalin - chất bảo quản công nghiệp - tại các nhà hàng nổi tiếng của thành phố.

Chiến dịch ra quân ở Trùng Khánh, với sự tham gia của 10.000 quan chức thi hành luật, là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc quyết tâm cao độ thực hiện mối đe dọa bê bối thực phẩm, vốn tiềm tàng gây ra bất ổn trong xã hội.  

Trung Quốc áp dụng một số quy định về an toàn thực phẩm thuộc loại gắt gao nhất thế giới. Tuy nhiên, nước này vẫn đang phải chật vật để thi hành các quy định đó một cách đầy đủ.

Tuần trước, Bộ Y tế Trung Quốc đã ban hành một danh sách cấm 151 chất phụ gia, đồng thời mở chiến dịch loại trừ việc sử dụng clenbuterol, hay còn gọi là "bột thịt nạc" trong ngành chăn nuôi lợn.

Thanh Hảo (Theo Telegraph)