Ảnh vệ tinh mà Kiev công bố như một bằng chứng cho thấy nước này không triển khai dàn tên lửa chống máy bay quanh điểm máy bay Malaysia rơi đã bị chỉnh thời gian và thực chất được chụp nhiều ngày sau thảm kịch MH17, Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ.

Theo RT, những bức ảnh mà Kiev tuyên bố là được vệ tinh của nước này chụp cùng thời điểm với những ảnh do vệ tinh Nga chụp thực tế không phải của Ukraina cũng như không phải ảnh thật, Moscow tuyên bố.

{keywords} 

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, những tấm ảnh trên dường như đã được vệ tinh do thám KeyHole của Mỹ ghi lại vì hai vệ tinh hiện thời đang ở trong quỹ đạo của Ukraina là Sich-1 và Sich-2 không ở vị trí phía trên vùng Donetsk của nước này như thể hiện trong ảnh.

Moscow cho biết, điều kiện thời tiết và ánh sáng trong ảnh là không hợp lý vào thời điểm mà Ukraina đưa ra tuyên bố. Một trong các bức ảnh do Ukraina công bố cho thấy có dấu hiệu bị chỉnh sửa bằng phần mềm chỉnh ảnh, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Bộ này còn chỉ trích những tấm ảnh mà Kiev công bố để hỗ trợ cho cáo buộc rằng Nga đã vận chuyển lậu vũ khí hạng nặng qua biên giới và nã pháo vào các vị trí quân sự của Ukraina.

Các tấm ảnh thiếu những dấu ấn thời gian và tọa độ thích hợp trong khi Kiev không giải thích tại sao nước này tin rằng bất kể chiếc xe nào được chụp trong ảnh lại là xe của Nga, tuyên bố cho hay. "Rất dễ hiểu là tại sao chủ nhân thực sự của những tấm ảnh ngần ngại không công bố nó dưới tên thật của họ".

Máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi trên vùng Donetsk, Ukraina, nơi đang xảy ra giao tranh giữa quân ly khai và quân chính phủ. Máy bay này dường như bị một tên lửa bắn rơi dù không rõ đó là loại tên lửa gì và ai đã bắn nó.

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố dữ liệu radar và ảnh vệ tinh, nói rằng đó là bằng chứng cho thấy Ukraina có cả dàn tên lửa chống máy bay trên mặt đất lẫn máy bay quân sự có khả năng phóng tên lửa không đối không đang được triển khai tại khu vực vào ngày MH17 bị bắn rơi.

  • Hoài Linh