Sara và Leila sống sót sau đợt phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) vây ráp hàng loạt người Yazidi tại Iraq hồi tháng trước.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

Tờ Global Post đã kể lại câu chuyện của họ. Tên các nhân vật đã được thay đổi vì sự an toàn của họ. 

{keywords}
Một cô gái Yazidi phải bỏ nhà đi vì IS, ở tạm trong một công trình xây dựng ở dang ở Zahko, Iraq. Ảnh: GP

Cô gái Sara 15 tuổi từng nhiều lần định tự tử trong giai đoạn đầy cam go kéo dài một tháng trời. Cô được ‘tặng’ cho một gã đàn ông lớn tuổi, nhưng suốt ngày bị gã đánh đập. Gã trêu chọc cô bằng cách bật các đoạn băng ghi hình phiến quân IS chặt đầu hàng xóm của cô. 

Hai lần khác, gã chọc kim tiêm lớn vào ven tay của cô, lấy ra rất nhiều máu, khiến cô lả người đi. 

“Họ không cho chúng tôi ăn gì mấy. Nhiều lần chúng tôi bất tỉnh, nhưng tôi vẫn cố gắng không để hắn yên, và chiến đấu khi có thể” – Sara nói khi cô ngồi trong một căn lều dành cho những người mất nhà cửa ở Duhok. “Nhiều lần tôi nghĩ tới việc chết đi, nhưng lại nhớ tới gia đình, và anh trai của tôi. Tôi sống chỉ vì họ”.  

Sara là người Yazidi, thành viên một nhóm tôn giáo thiểu số ở miền bắc Iraq bị hành hạ suốt nhiều thế kỷ vì đi theo một kiểu tôn giáo cổ xưa. Dọc phần người bên trái của Sara đầy những vết sẹo kinh hoàng sau một vụ đánh bom kép gần nhà cô hồi năm 2007 – khi đó, cô mới 8 tuổi. Vụ nổ khiến gần 800 người thiệt mạng và hơn 1.500 người bị thương. 

Với IS, người Yazidi bị coi là ngoại đạo. Khi lực lượng phiến quân này nắm quyền kiểm soát hàng chục ngôi làng Yazidi ở vùng Sinjar tháng trước, họ đã hành quyết đàn ông và bắt cóc hàng ngàn phụ nữ và trẻ em.  

Tổ chức Hội kín Yazidi đóng tại Sinjar nhưng hiện tại đang hoạt động ở thủ đô Erbil đã ghi tên hơn 12.000 người Yazidi mất tích – trong đó có 5.000 phụ nữ và 7.000 nam giới. Những người này được cho là đã thiệt mạng hoặc bắt cóc trong ba ngày từ ngày 3/8.  

Ít nhất 47 người trong số đó đã trốn thoát.  

Họ kể lại những vụ cưỡng bức, cưỡng hôn, và bị đầy làm nô lệ. Rất nhiều người như Sara nói rằng, họ bị gả làm vợ của phiến quân IS, hoặc bị bán làm nô lệ với giá từ 100 - 1.000 USD.  

Cuối tháng trước, Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria đóng tại Anh cho biết có 300 vụ phụ nữ Yazidi bị IS đưa sang Syria, một số người trong đó bị bán ở chợ tại Aleppo. 

Quân IS tấn công ngôi làng Sinjar ở Tal Azir vào ngày 3/8. Giai đoạn cực khổ của Sara bắt đầu. Cô cùng mẹ, anh trai và người chị dâu đang mang bầu chỉ chạy được sang các ngọn núi lân cận. Sau hai giờ chạy bộ, họ tới một nông trại ở một lưng chừng núi, nơi nhiều người hàng xóm và họ hàng của cô đang trú ẩn. 

Sau đó ít lâu, IS tới và bao vây. 

“Có khoảng 20 chiếc xe. Chúng đều có vũ khí hạng nặng. Chúng tách đàn ông, đàn bà riêng ra. Một số nam giới định trốn. Họ bị bắn. Chúng nhốt mẹ tôi với các phụ nữ lớn tuổi ở một căn phòng” – Sara kể lại. 

Những cô gái Yazidi trẻ hơn bị đưa lên xe. Khi xe chở đủ người và đi khỏi, Sara nghe thấy tiếng súng nổ ở phía sau. 

Còn tại ngôi nhà đó, mẹ của Sara là Narin cũng nghe thấy loạt tiếng súng vang lên rồi chìm vào im lặng.  

“Chúng tôi chỉ còn lại sáu phụ nữ” – Narin nói. Sau khi nghe ngóng và không thấy tiếng động lạ, mọi người tìm cách mở cửa. 

Cửa mở, họ thấy hàng chục xác nam giới đã chết. Trong đó có cả con trai bà. 

Khi nghe lại câu chuyện mẹ kể, Sara đã khóc ròng. Anh trai cô mới 19 tuổi, và vợ chồng anh cô sắp đón đứa con đầu lòng.  

Điều đáng lo ngại nhất với những cô gái Yazidi phải trải qua những thảm cảnh này là nguy cơ tự tử trong số những người còn sống sót, vì những tổn thương, xấu hổ hoặc tuyệt vọng. 

Còn với cô gái Leila 19 tuổi, thời kỳ kinh hoàng bắt đầu khi cô chạy trốn khỏi ngôi làng ở Sinjar với chồng và gia đình. Khi xe của IS đuổi kịp họ, phiến quân đã bắt đàn ông phải nằm sấp xuống mặt đất. Rồi chúng bắn họ, trong đó có cả những thiếu niên mới khoảng 14 tuổi. Leila tận mắt chứng kiến cảnh chồng cô bị giết. 

Leila ôm lấy đứa con của cô mới 1 tuổi, tên là Murad. Cô cùng với các phụ nữ khác bị đưa tới thị trấn Sebai, rồi cuối cùng là tới Mosul. 

“Chúng tôi đi qua rất nhiều thi thể. Thậm chí là có xác trẻ con” – Leila kể lại. 

Cô cùng với hơn 1.000 phụ nữ khác bị giam trong một tòa nhà. Họ đều kể chung câu chuyện những người đàn ông bị xếp hàng, rồi bị bắn. Số khác bị đưa lên xe. 

Các cô bị yêu cầu cải đạo, sang đạo Hồi. Những phụ nữ nào đã kết hôn có thể được gửi cho chồng của họ (nếu chồng đã cải đạo sang đạo Hồi) để xây dựng gia đình theo kiểu Hồi giáo. 

Trong suốt thời gian bị giam giữ, các phiến quân bật video ghi lại cảnh cắt đầu người Yazidi. “Trong một số đoạn, họ còn để đầu của nạn nhân vào nồi” – Sara kể lại. 

Leila đã trốn thoát thành công khỏi trại giam, khi cô được một người đàn ông Ảrập cứu, và đưa khỏi vùng bị nạn, giúp cô đoàn tụ với những người thân tại Erbil.  

Tương tự, Sara cùng người chị dâu đã trốn thoát khỏi tay phiến quân IS thành công. Nhưng với Sara, cô vẫn nghĩ tới việc tự tử. 

“Điều duy nhất khiến tôi còn sống đó là vì tôi nghĩ rằng sẽ được gặp lại anh trai và bố mẹ lần nữa. Tôi không muốn sống, không phải sống như thế này, nhưng giờ đây tôi vừa là con trai vừa là con gái của cha mẹ mình. Tôi sống chỉ vì họ, nhưng tôi không biết là sẽ được bao lâu nếu như chúng tôi vẫn còn ở Iraq” – Sara nói. 

Hiện tại, có hơn 2,8 triệu người Iraq mất nhà cửa giống như Leila và Sara. Nhà không còn, người thân bị giết. Với họ, những gì còn lại ở Iraq chỉ là những cơn ác mộng và sự sống mỏi mòn trông cậy vào nguồn viện trợ quốc tế. 

Lê Thu