Cảnh sát Hong Kong sớm 16/10 đã phải dùng hơi cay để ngăn người biểu tình phong tỏa một đoạn đường then chốt gần văn phòng Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh.

TIN BÀI KHÁC:


Hành động của cảnh sát diễn ra bất chấp sự tức giận của dân chúng về việc một người biểu tình bị đánh đập vào hôm qua. Tại trụ sở cảnh sát ở quận Wan Chai gần đó, hàng trăm người đã tập trung ở bên ngoài từ sáng tinh mơ để bày tỏ phẫn nộ, với hàng chục người xếp hàng chờ đâm đơn phản đối.

{keywords}
Cảnh sát Hong Kong xịt hơi cay vào người biểu tình. (Ảnh: Reuters)

Giới chức Hong Kong cam kết những cảnh sát tham gia đánh đập ông Ken Tsang Kin-chiu, một thành viên của Đảng Công dân đối lập, sẽ bị đình chỉ nhiệm vụ. Hình ảnh ghi lại được về vụ đánh đập ông Tsang đã lan truyền nhanh chóng và tiếp sức cho nỗ lực mới của phong trào biểu tình, vốn đã khiến Hong Kong rúng động suốt 3 tuần qua.

{keywords}
Khung cảnh biểu tình sớm nay (Ảnh: Raquel Carvalho/SCMP)

Trong vụ đụng độ mới nhất, Đài RTHK của Hong Kong đưa tin, người biểu tình trở lại đường Lung Wo cạnh văn phòng của ông Lương Chấn Anh, mang theo rào chắn và các vật dụng khác. Một phóng viên ảnh của Reuters sau đó chứng kiến cảnh người biểu tình ẩu đả với một nhóm cảnh sát bên lề đường. Lực lượng thi hành luật đã trấn áp họ bằng hơi cay.

{keywords}
Cảnh sát dẹp biểu tình trên đường Lung Wo sớm nay. (Ảnh: SCMP)

Trước đó, cảnh sát đã tiến hành giải tỏa đường Lung Wo và bắt giữ 45 người. Hỗn loạn giao thông tại nhiều điểm biểu tình khác đã làm gián đoạn hoạt động của một số khu vực thuộc trung tâm tài chính châu Á này.

{keywords}
Người biểu tình rút đi sau khi bị cảnh sát giải tán. (Ảnh: EPA)

Vào lúc đỉnh điểm, 100.000 người biểu tình đã đổ ra đường phố Hong Kong. Số người tham gia giảm dần theo thời gian, nhưng nhóm nòng cốt của phong trào gồm phần lớn sinh viên vẫn tiếp tục gây sức ép với các nhà chức trách Hong Kong, đòi Trung Quốc hủy bỏ các giới hạn về cách thức Đặc khu lựa chọn lãnh đạo của mình.

{keywords}
Người biểu tình mang ảnh phản đối vụ đánh đập Tsang. (Ảnh: Reuters)

Nạn nhân Tsang đã được đưa tới bệnh viện sau khi bị cảnh sát đánh. Các nhà hoạt động đã công bố nhiều bức ảnh cho thấy, anh bị thâm tím mặt mày và cơ thể.

"Tôi sợ một ngày nào đó tôi ra đường tham gia biểu tình và cảnh sát sẽ hành xử tương tự với tôi", Jen Lau, một nhân viên xã hội 28 tuổi ngồi ở vỉa hè bên ngoài trụ sở cảnh sát ở Wan Chai than phiền lúc nửa đêm qua. "Ngay cả khi anh ấy là một người biểu tình thì anh ấy cũng không nên bị đối xử như vậy. Tôi nghĩ nhóm cảnh sát đó sẽ bị kỷ luật hoặc một hình phạt nào đó nặng hơn".

{keywords}
Người biểu tình đòi chính quyền xử lý nhóm cảnh sát dùng vũ lực quá mức. (Ảnh: Getty)

Một số nhân viên xã hội còn in poster có những tấm ảnh màu về nhóm cảnh sát kể trên và mang nó trong khi đứng xếp hàng chờ nộp đơn kiện.

Thanh Hảo