Theo trang Business Insider, tàu sân bay duy nhất của Bắc Kinh đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về kỹ thuật.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

Robert Beckhusen, người viết ‘Chiến tranh tẻ nhạt’, thông tin về việc tàu Liêu Ninh của Trung Quốc đã bị ngắt điện bất ngờ trong một chuyến chạy thử trên biển vào tuần qua.  

{keywords}
Binh sĩ Trung Quốc đứng gác trên tàu Liêu Ninh. Ảnh: Reuters

Beckhusen dẫn nguồn từ một bài báo bằng tiếng Trung, cho biết ‘có thể xảy ra nổ ở nồi hơi của tàu nên hệ thống điện bị ngắt’. 

Beckhusen lưu ý rằng, những lỗi kỹ thuật như vậy không phải là hiếm đối với các tàu sân bay được sản xuất từ cuối những năm 1980.  

Tàu Liêu Ninh vốn dĩ được xây dựng trên nền tảng từ tàu lớp Varyag của Liên Xô và quá trình vận hành cũng không đặc biệt tốt. 

“Chiếc tàu sân bay 40.000 tấn của Ấn Độ là Vikramaditya – tàu sân bay do Liên Xô lắp, được đưa vào hoạt động năm 1987 và bán năm 2004 – hay bị ngắt điện tạm thời giữa chừng, sau khi một nồi hơi bị quá nóng vào hai năm trước” – ông Beckhusen nói. 

Ông này cho biết thêm là tàu sân bay “50.000 tấn của Nga mang tên Đô đốc Kuznetsov không thể đi đâu nếu thiếu một tàu lai dắt hộ tống, trong trường hợp các động cơ của tàu bị hỏng giữa chừng”.  

Các vấn đề kỹ thuật này của tàu Liêu Ninh cũng làm lộ ra một mối căng thẳng quan trọng trong viễn cảnh quốc phòng của Trung Quốc. 

Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc về mặt vũ khí thông thường. Nhìn chung, không có quốc gia nào có thể khắc phục các vấn đề khi sở hữu một tàu sân bay lúc chạy lúc trôi, hoặc cùng lúc phát triển nhiều mẫu máy bay phản lực tàng hình, nếu như không có hy vọng trở thành một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Việc theo đuổi các kiểu dự án trên cho thấy Trung Quốc quyết tâm bắt nhịp với Mỹ - siêu cường đã sở hữu nhiều nhóm tàu sân bay ở Thái Bình Dương, và phát triển nhiều loại máy bay chiến đấu tối tân.  

Tuy nhiên, các bước tiến hiện tại trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc lại không tương xứng. Nói cách khác, Trung Quốc muốn lấp đầy khoảng cách với Mỹ một cách mau chóng mà không phải xây dựng trật tự chiến đấu ở mức tương đồng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải phá vỡ các nguyên tắc về tình trạng hành xử vốn được chấp thuận rộng rãi. 

Do đó, quân đội Trung Quốc tấn công nhiều mục tiêu trên mạng ở nhiều nước, và xây dựng các loại vũ khí mà ít quốc gia nào có thể làm – chẳng hạn như các hệ thống chống vệ tinh, hoặc tên lửa có khả năng mang theo gần chục đầu đạn hạt nhân.  

Thực tế việc Trung Quốc sở hữu tàu sân bay là lời nhắc nhở rằng Bắc Kinh muốn trở thành một cường quốc vũ khí thông thường ngang với Mỹ.

Nhưng trục trặc mà tàu Liêu Ninh gặp phải cho thấy Trung Quốc vẫn còn cách Mỹ một khoảng rất xa về mặt quân sự.

Điều này dẫn tới khả năng khó đoán định hành động của Trung Quốc khi mà Bắc Kinh vẫn đang tìm mọi cách để vươn lên trở thành siêu cường.

Lê Thu