- Dựng lại máy bay Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 từ các mảnh vỡ; Đụng độ dữ dội tại Hong Kong... là các tin đáng chú ý trong 24h qua.
Nổi bật
Các mảnh vỡ của chiếc máy bay Malaysia Airlines mang số hiệu MH17, được thu hồi từ hiện trường bị rơi ở đông Ukraina sẽ được dựng lại tại một căn cứ quân sự ở Hà Lan để phục vụ cho việc điều tra, Reuters dẫn nguồn từ giới chức Hà Lan cho biết hôm 1/12.
Những mảnh vỡ của máy bay MH17. |
Mảnh vỡ của máy bay rơi, được lực lượng khẩn cấp địa phương thu nhặt dưới sự giám sát của nhóm điều tra Hà Lan tại khu vực đang xảy ra giao chiến giữa quân ly khai được Nga ủng hộ và quân đội trung thành với chính quyền Kiev, sẽ được chuyển tới căn cứ không quân Hà Lan vào tuần tới.
Những mảnh vỡ của chiếc Boeing 777 đã nằm tại hiện trường 3 tháng sau khi nó bị bắn rơi hôm 17/7, do các nhà điều tra bên ngoài khó đi vào khu vực chiến sự này. Thảm họa này khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Các nhà điều tra và công tố viên tin rằng, nhiều khả năng máy bay bị một tên lửa đất đối không bắn hạ. Tuy nhiên, giả thuyết mà Moscow đưa ra là nó bị bắn hạ từ trên không cũng không được loại trừ.
"Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị vận chuyển các mảnh vỡ tới căn cứ. Việc chất hàng lên những xe tải đầu tiên sẽ bắt đầu từ 1/12", Ủy ban An toàn Hà Lan ra thông báo cho biết.
Một số phần thi thể nạn nhân MH17 mới được tìm thấy trong thời gian gần đây đã được đưa tới Hà Lan vào cuối tuần trước và sẽ được đưa tới một căn cứ quân sự khác để nhận diện.
Hơn 2/3 số người có mặt trên chuyến bay MH17 từ Amsterdam tới Kuala Lumpur là người Hà Lan. Do đó chính quyền Hà Lan giữ vai trò dẫn dắt cuộc điều tra máy bay rơi này.
Tin vắn
- Ba đảng thân châu Âu chủ chốt của Moldova hôm 1/12 dường như đã có thể thành lập một liên minh mới, với hầu hết số phiếu có được từ cuộc bầu cử một ngày trước đó, bất chấp đảng Xã hội thân Moscow đang giữ vị trí thứ nhất.
- Những người biểu tình ở Hong Kong hôm 1/12 đụng độ dữ dội với cảnh sát, khi cố bao vây tòa nhà chính quyền Hong Kong để làm sống dậy phong trào đòi cải tổ dân chủ sau hơn hai tháng cắm trại trên đường phố.
- 400 người ở Tây Ấn Độ đã phải nhập viện sau khi một xe bồn làm đổ hóa chất nó đang chở ra sông Valdhuni. Các nạn nhân được cho là có triệu chứng lơ mơ, đau người và khó thở.
- Liên đoàn phi công Đức Vereinigung Cockpit (VC) kêu gọi đình công vào ngày 1 và 2/12, sau khi các cuộc họp bàn về lương hưu bị trì hoãn.
- Nga đã chuyển chuyến hàng viện trợ nhân đạo thứ 8 cho đông Ukraina. Theo đó, Donetsk nhận được 800 tấn hàng viện trợ còn Lugansk nhận được 400 tấn.
- Căn cứ không quân Osan của Mỹ ở Hàn Quốc đã dỡ bỏ lệnh nội bất xuất ngoại bất nhập, vốn được áp đặt như một biện pháp phòng ngừa sau khi một số người cho biết có một cuộc diễn tập bắn súng không trong kế hoạch tại đây.
- Thủ tướng Australian Tony Abbott hôm 1/12 đã lên tiếng bảo vệ chính phủ của mình trước những lời chỉ trích ngày càng tăng. Nhà lãnh đạo này cho biết, chính phủ đã có được nhiều thành tựu trong năm cầm quyền đầu tiên.
- Thái tử Thái Lan Vajiralongkorn đã yêu cầu chính phủ gỡ bỏ yếu tố hoàng gia trong tên của gia đình vợ, sau khi ít nhất ba người họ hàng của vợ thái tử là Sriasm bị bắt vì dính líu tới tham nhũng.
- Lực lượng phòng thủ không gian Nga hôm 1/12 cho hay, hai trạm radar mới chống tên lửa đã bắt đầu được xây dựng tại phần châu Âu của Nga - tại vùng Orenburg và Cộng hòa Komi.
Tin ảnh
Bức ảnh một thiếu niên da đen được một cảnh sát Portland ôm vào lòng đã khiến cả thế giới lay động. Tấm ảnh từ cuộc biểu tình ở Ferguson, Mỹ được coi như hình ảnh về hy vọng. (Ảnh: Johny Nguyen - Huffington Post) |
Phát ngôn
"Thành lập Trung tâm kiểm soát quốc phòng là một trong những dự án quân sự lớn nhất trong vài năm qua. Cơ quan này có chức năng và nhiệm vụ như Trụ sở tổng tư lệnh hồi 1941-1945, vốn tập trung kiểm soát toàn bộ cỗ máy quân sự và kinh tế của đất nước trong chiến tranh", Trung tướng Mikhail Mizintsev nói về việc Nga thành lập cơ quan quốc phòng mới, để giám sát các mối đe dọa an ninh quốc gia trong thời bình và kiểm soát toàn quốc trong trường hợp có chiến tranh.
Sự kiện
Tại Nhà thờ Đức Bà Paris, Napoleon Bonaparte đăng quang Hoàng đế Napoleon I, người Pháp đầu tiên giữ danh hiệu Hoàng đế trong cả nghìn năm qua. Giáo hoàng Pius VII đã trao cho Napoleon vương miện và người đàn ông 35 tuổi, chinh phục cả châu Âu đã đặt vương miện lên đầu mình.
Hoài Linh