George W. Bush đã về sống tại nhà ở Texas cách đây gần 6 năm, nhưng cả nước Mỹ vẫn đang chật vật vượt qua di sản gây tranh cãi về an ninh quốc gia mà ông để lại. 


{keywords}

CIA đã dùng nhiều biện pháp cực hình để khai thác thông tin từ nghi phạm khủng bố. (Ảnh: The Independent)

Báo cáo mà Thượng viện Mỹ mới công bố về chương trình thẩm vấn của CIA đang khơi lại những vết thương chính trị sau vụ khủng bố 11/9 vừa liền sẹo của Mỹ. Báo cáo kết luận, các thủ thuật hỏi cung của CIA tàn ác hơn nhiều so với những gì được biết đến. Những câu hỏi được đặt ra, về cách thức phát động cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trong phạm vi các giới hạn về đạo đức và hiến pháp, dường như căng thẳng hơn bao giờ hết. Và cuộc tranh luận vẫn chưa tiến gần đến giải pháp.

Barack Obama lên nắm quyền, với cam kết lật sang trang mới từ các chính sách khủng bố dưới thời người tiền nhiệm George W. Bush, mà ông từng khẳng định là đi ngược lại các giá trị cốt lõi của Mỹ. Tuy nhiên, 3/4 chặng đường trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống, ông vẫn đang vật lộn với cái bóng của cuộc chiến chống khủng bố, và các biện pháp mà chính quyền Bush đã chọn để thực hiện cuộc chiến ấy.

Và trong một số trường hợp, ông Obama thậm chí còn phải hứng chịu chỉ trích về chính cách tiếp cận của mình, trong đó có quyết định mở rộng chương trình tấn công bằng máy bay không người lái mà ông Bush truyền lại.

Phản ứng của một quốc hội đang bị phân rẽ sâu sắc về báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện cho thấy, cơ quan này sẽ vấp phải khó khăn thế nào, trong việc xây dựng một sự đồng thuận chung về đường hướng thích hợp trước một mối đe dọa, chẳng hạn như khủng bố.

"Một trong những thế mạnh khiến nước Mỹ khác biệt là chúng ta sẵn sàng đương đầu công khai với quá khứ, đối mặt với những gì chưa hoàn thiện, tạo ra những thay đổi và làm tốt hơn nữa", ông Obama nhấn mạnh trong một thông điệp. "Thay vì khơi lại những lập luận cũ, tôi hy vọng báo cáo hôm nay có thể giúp chúng ta bỏ lại những biện pháp đó ở nơi chúng thuộc về - trong quá khứ".

Sau khi nhậm chức năm 2009, ông Obama đã "khai tử" các biện pháp thẩm vấn mở rộng mà CIA sử dụng, như làm ngạt nước và cấm ngủ - vốn là những nội dung được nêu trong bản báo cáo ngày 9/12.

Tuy nhiên, xử lý được "những lập luận cũ" là điều không hề đơn giản. Chưa kể, Obama còn phải đối mặt với nghi vấn về chính hành xử của ông trong chiến dịch chống khủng bố, đặc biệt là chương trình máy bay không người lái. Chương trình này - dùng các máy bay không người lái mang tên lửa để tiêu diệt các nghi phạm khủng bố ở nước ngoài - đã đặt ra nhiều vấn đề đạo đức chẳng kém gì chương trình tra tấn của CIA.

Một số quan chức cấp cao tiết lộ rằng, Obama xem việc đặt cuộc chiến chống khủng bố lên một nền tảng vững chắc hơn nữa, là một trong những nhiệm vụ then chốt trong nhiệm kỳ của ông.

"Chúng ta phải định rõ bản chất và quy mô của cuộc chiến này, nếu không nó sẽ định hình chúng ta", ông Obama từng nói như vậy trong bài phát biểu tại Đại học Quốc phòng hồi năm ngoái.

Nhưng đương kim Tổng thông Mỹ có vẻ chắc chắn sẽ trao lại nhiều câu hỏi chưa giải đáp về cách thức chống chủ nghĩa khủng bố cho người kế nhiệm, như George W. Bush đã truyền lại cho ông.

Thanh Hảo