TIN BÀI KHÁC:
Todenhoefer đã dành 6 ngày ở Mosul sau khi ông tới Raqqa ở Syria, thủ phủ của IS. Cựu chính trị gia này kể với hãng tin BBC rằng các tín đồ của IS luôn hừng hực khí thế và ủng hộ sự độc ác.
Tác giả người Đức nói thêm, chiến binh IS thường tản mát khắp nơi nên họ khó có thể bị các cuôc không kích của Mỹ và liên quân nhắm trúng.
Áp phích IS hướng dẫn đàn ông Hồi giáo cầu nguyện |
Đến nay, Juergen Todenhoefer là người ngoài duy nhất được phép di chuyển sâu vào trong lãnh địa của IS và trở về an toàn. Ở Mosul, nơi IS đã "đánh nhanh thắng nhanh" hồi tháng 6, ông Todenhoefer đã chứng kiến tổ chức này áp đặt một phiên bản vô cùng hà khắc của luật Hồi giáo Sunni.
Các áp phích hướng dẫn đàn ông ở đúng vị trí khi cầu nguyện và yêu cầu phụ nữ phải trùm kín người. Cả hai giới không được mặc quần áo "giống những kẻ ngoại đạo". Hình ảnh trên panô quảng cáo đều mang màu đen, và có một cửa hiệu bán sách về các quy định tôn giáo, kể cả sách về cách thức đối xử với nô lệ.
Todenhoefer cũng gặp nhiều trẻ nhỏ mang vũ khí và chạm trán với những chiến binh đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Anh, Mỹ, Thụy Điển, Trinidad và Tobago. Todenhoefer cho biết, ông rất sốc trước khí thế hung ác cùng quyết tâm "thanh lọc tôn giáo" và mở rộng lãnh địa của IS.
"Có một sự hăng hái mà tôi chưa từng thấy trước kia ở các vùng chiến sự", tác giả Đức bình luận. "Có một sự tự tin, dám chắc rất lớn. Đầu năm nay, chỉ ít người biết về IS. Nhưng giờ đây, họ chiếm được một khu vực với diện tích bằng nước Anh. Đây là một phong trào có sức mạnh ngang một quả bom hạt nhân hoặc một trận sóng thần".
Tác giả Todenhoefer trò chuyện với các chiến binh IS. |
Chuyến đi của Todenhoefer được con trai ông quay phim, với giấy phép IS đảm bảo an toàn cho hai bố con, những tài liệu họ ghi lại được cho thấy một tổ chức luôn bận rộn củng cố hệ thống, gần như không bận tâm lo ngại các cuộc không kích của liên quân.
"Tôi có ấn tượng họ muốn chứng tỏ Nhà nước Hồi giáo đang hoạt động", Todenhoefer nhận xét thêm.
Bề ngoài, cuộc sống ở Mosul diễn ra bình thường. Nhưng tất cả những người Hồi giáo Shiite và người Công giáo đều đã bỏ chạy khỏi nơi này, khi IS đánh chiếm thành phố. Các chiến binh thánh chiến giờ đây có hệ thống tư pháp riêng - với cờ IS được treo trên nóc tòa án - và có lực lượng cảnh sát thực thi luật Hồi giáo rất khắt khe. Tuy vậy, chỉ huy cảnh sát địa phương cho biết ông ta không cần phải thực thi những lệnh trừng phạt bạo lực nữa.
Todenhoefer ước tính, Mosul hiện đang có vài nghìn chiến binh song họ tản mát chứ không di chuyển theo đoàn để tránh bị không kích.
Sau khi trở về an toàn, Todenhoefer nhận xét, nỗi khiếp đảm dường như là một vũ khí cực kỳ lợi hại và các chiến binh IS là đội quân "tàn khốc nhất, nguy hiểm nhất" mà cựu chính trị gia người Đức này từng biết tới trong cuộc đời ông.
"Tôi chưa thấy ai có cơ hội thực sự ngăn chặn họ. Chỉ người Ảrập mới có thể chặn được IS. Tôi trở về trong tâm trạng rất bi quan", ông cho biết thêm.
Thanh Hảo