Thông tin Triều Tiên có phải là nước đứng đằng sau vụ tấn công vào hãng Sony Pictures hay không vẫn chưa ai xác nhận.
Tuy nhiên, trang Business Insider nhận định rằng, đây là quốc gia có những tin tặc xuất sắc nhất trên thế giới.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một đơn vị công nghệ thông tin. Ảnh: KCNA |
Mới đây, báo chí phương Tây viết về một đơn vị chiến tranh điện tử đặc biệt của Bình Nhưỡng, còn được biết đến với tên Cục 121.
Theo lời Jang Se-yul, một người Triều Tiên bỏ trốn từng làm việc trong nhóm các tin tặc của Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã trau chuốt cho ‘các chiến binh số’ của họ, coi đây là một ưu tiên hàng đầu cho nhiều thập kỷ, và có chế độ đãi ngộ cấp cao nhất cho lực lượng này.
Trước khi bỏ trốn sang Hàn Quốc năm 2007, Jang đến Mirim, trường đại học hàng đầu đào tạo kỹ sư tại Triều Tiên. Jang không phải là tin tặc, nhưng đã học chung lớp với những người sau này làm việc trong Cục 121. Sau khi tốt nghiệp, Jang làm việc tại Tổng cục Tình báo mà Cục 121 trực thuộc.
Đào tạo
Đại học Mirim đào tạo hầu hết các nhân sự làm việc tại Cục 121. Đây là một chương trình có tính cạnh tranh cao, mỗi lớp chỉ nhận khoảng 100 sinh viên từ 5.000 ứng viên.
Mỗi ngày, sinh viên phải học 6 buổi học kéo dài 90 phút, học các ngôn ngữ lập trình và hệ thống vận hành khác nhau, từ C cho tới Linux. Jang cho biết, phần lớn thời gian học viên phải nghiên cứu các chương trình của Microsoft, như Windows và làm thế nào tấn công vào các hệ thống máy tính của các quốc gia thù địch như Mỹ, hoặc Hàn Quốc.
Tuy nhiên, nguyên tắc cốt lõi là phát triển các chương trình tấn công riêng của Triều Tiên và các loại virus máy tính mà không phụ thuộc vào các chương trình đã xây dựng ở các nước khác.
Jang nói rằng, các tin tặc của Triều Tiên không hề thua kém các lập trình viên hàng đầu của Goolge hay CIA, nếu không nói là thậm chí còn giỏi hơn. “Đặc biệt là về mặt mã hóa, tôi tin là họ giỏi hơn, vì họ đầu tư vào lĩnh vực này từ rất lâu rồi” – Jang nói.
Cục 121
Đây là nơi tập hợp các tin tặc chuyên nghiệp, với khoảng 9 năm đào tạo, cũng bằng khoảng thời gian họ vào đây là việc. Nhân sự tại đây chia làm hai nhóm dựa trên các quốc gia mà họ tập trung mục tiêu, như Mỹ, Hàn Quốc và Nhậ Bản.
Sau khi được bố trí vào các nhóm riêng, họ được cử đi tới quốc gia mục tiêu đó trong vòng 2 năm, học ngôn ngữ và văn hóa. Jang ước tính có khoảng 1.800 ‘chiến binh số’ trong Cục 121.
Điều kiện sống của các nhân viên này cao hơn rất nhiều so với mức sống của người bình thường: lương cao, căn hộ hơn 180m2 được cấp ở Bình Nhưỡng, và gia đình có thể được chuyển tới thủ đô.
Mặc dù được truy cập Internet hoàn toàn tự do và các nhân viên Cục 121 biết rõ về thế giới bên ngoài, nhưng họ không có ý định trốn đi. “Bạn có cố gắng thuyết phục họ đến mấy đi chăng nữa thì họ cũng không bỏ đi – ngay cả khi bạn đề nghị một công việc tại Nhà Xanh (phủ Tổng thống Hàn Quốc)” – Jang nói.
Mục đích cuối cùng
Jang cho biết, trong không gian số, Bình Nhưỡng có thể tạo ra tình trạng hỗn loạn với nguồn lực không nhiều. Đó được cho là lý do tại sao Triều Tiên dành nhiều nỗ lực trong lĩnh vực này kể từ những năm 1980. Họ gọi đây là ‘Cuộc chiến bí mật’.
Jang nói rằng, mục đích cuối cùng của việc này là tấn công vào hạ tầng công nghệ thông tin trung tâm của các đối thủ, đặc biệt là của chính phủ, và đánh cắp dữ liệu càng nhiều càng tốt, cùng lúc gây nên những ồn ào về mặt xã hội.
Theo Jang, các tin tặc Triều Tiên nói là việc tấn công máy chủ của chính quyền Hàn Quốc dễ như ‘bơi mà chân vẫn chạm đất’ vậy. Mặc dù không chắc chắn về các kỹ năng tân tiến của các tin tặc này, nhưng Jang nói các tin tặc có thể ‘dễ dàng’ tấn công các máy chủ của doanh nghiệp.
Jang nói thêm là ông ‘chắc chắn’ rằng, Triều Tiên đứng đằng sau vụ tấn công vào Sony Pictures. “Chắc chắn là Mỹ đang không ở trong vùng an toàn. Triều Tiên đã chuẩn bị cho việc này hơn 20 năm qua. Mỹ không nên coi nhẹ họ” – Jang nói.
Lê Thu