Từ khủng hoảng tài chính ở Nga tới chiến tranh mạng với Triều Tiên, năm 2014 đã sản sinh ra nhiều điểm nóng vào những ngày cuối cùng của năm khiến 2015 cũng sẽ trở thành một năm nhiều biến dộng.
Reuters đưa tin, gần như hầu hết các cuộc đối đầu lớn, như cuộc chiến với quân Nhà nước Hồi giáo (IS), mối quan hệ bế tắc giữa phương Tây và Nga vì khủng hoảng Ukraina và cuộc chiến chống Ebola, sẽ tiếp tục diễn ra. Những cuộc chạm trán mới cũng có thể bùng phát với những dấu hiệu báo trước rất ngắn.
"Thông thường, sau một năm như vậy, bạn có thể mong mọi thứ sẽ lắng xuống. Tuy nhiên, không có vấn đề nào được giải quyết và những người lèo lái nó không rời khỏi đó", John Bassett, cựu quan chức cấp cao của cơ quan tình báo dấu hiệu Anh GCHQ và hiện là giáo sư tại đại học Oxford nói.
Các nguyên nhân là vô vàn, sự chuyển dịch toàn cầu của sức mạnh kinh tế từ phương Tây, các công nghệ mới, những ganh đua trong khu vực và sự bất bình về khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
Trong một báo cáo hồi tháng 6 của Viện Kinh tế và Hòa bình có đoạn, sự hòa bình của thế giới đã đi xuống trong năm thứ 7 liên tiếp, kể từ 2007, đảo chiều phát triển trong nhiều thập niên.
Viện Kinh tế và Hòa bình hồi tháng 11 cũng cho hay, số người thiệt mạng do các vụ tấn công của chiến binh tăng 60%, lên mức cao nhất trong mọi thời, chủ yếu là ở Iraq, Syria, Afghanistan, Pakistan và Nigeria. Số tử vong tăng vào thời điểm mà năng lực đáp trả các vụ tấn công của phương Tây bị hạn chế khi Washington và các đồng minh châu Âu cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Các điểm nóng sẽ nóng thêm
Trong khi các nhà lập pháp phương tây hy vọng khủng hoảng kinh tế Nga sẽ kiềm
chế các tham vọng của Tổng thống Putin thì một số người lại lo ngại điều đó sẽ
khiến nhà lãnh đạo này trở nên khó đoán hơn.
"Không cần thiết phải làm Nga cư xử tốt hơn", Christopher Harmer, một cựu phi công hải quân Mỹ hiện là thành viên Viện nghiên cứu chiến tranh cho hay.
Các quan chức NATO cho biết, liên minh này sẽ coi bất cứ một cuộc xâm chiếm nào, dù là ngầm, nhằm vào các nước Baltic, là thành viên của NATO, sẽ là một hành động chiến tranh.
Trung Quốc đang vun đắp sức mạnh quân sự. Nước này đang tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông, vốn là nơi giàu dầu mỏ và khí đốt. Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền tại khu vực này.
Tại biển Hoa Đông, một chuỗi đảo mà cả Trung Quốc lẫn Nhật đều tuyên bố chủ quyền sẽ tiếp tục là điểm nóng khiến quan hệ hai nước xấu đi.
Một số quan chức và các nhà phân tích nói, phương Tây bị kéo căng cũng có nghĩa là một cuộc đối đầu ở một phần của thế giới có thể khuyến khích các đối thủ tiềm năng cố thử vận may, Triều Tiên cũng có thể quyết liệt hơn.
Washington đã buộc tội Bình Nhưỡng tấn công mạng Sony Pictures sau khi hãng
này làm bộ phim về âm mưu ám sát giả tưởng nhằm vào vào Kim Jong Un. Triều Tiên
đã phủ nhận cáo buộc này. "Vụ tấn công vào Sony đã nêu bật việc phương Tây dễ bị
tấn công trước những đe dọa tấn công mạng ngày càng tăng", Alastair Newton, một
nhà phân tích chính trị cấp cao ở Nomura cho hay.
Vùng xoáy Trung Đông
Những đối thủ của Washington đang ngày càng lão luyện trong cuộc chiến mơ hồ,
như phương Tây tố Nga dùng chiến thuật phủ nhận hoặc sử dụng lực lượng ủy nhiệm
kiểu "quân xanh" trong các bộ đồng phục và phương tiện không dấu hiệu để triển
khai tại Ukraina.
Các chiến thuật ngầm cũng không còn làm Israel thỏa mãn trong việc làm trì hoãn chương trình hạt nhân của Iran. Với hạn chót nửa năm để đi tới một thỏa thuận, một số nhà phân tích tin rằng chính phủ Israel có thể phát động một cuộc tấn công quân sự để hạ gục chương trình hạt nhân của Iran.
"Nếu Iran nhất trí về một thỏa thuận, vẫn có một chữ "nếu" to đùng, thì nó vẫn có thể châm ngòi cho một cuộc tấn công", Nigel Inkster, cựu phó chỉ huy Mật vụ Anh (MI6) và hiện là người đứng đầu ban về các mối đe dọa ngoài phạm vi quốc gia tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London nói.
Nigel cho hay, mọi việc phụ thuộc hầu hết vào việc liệu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có giành chiến thắng trong bầu cử tháng 3 tới và kết quả cho thấy liên minh thắng cử cứng rắn thế nào.
Hiện có một mối đe dọa mà hầu hết các nước lớn đều đồng lòng đứng về một phía để chống lại. Đẩy lùi IS tại Iraq và Syria là mối ưu tiên hàng đầu với các nước phương Tây, Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Quốc.
Liệu các nước có bỏ qua bất đồng về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn còn chưa rõ.
Ngoài ra, trong những tháng đầu của năm 2015, có một vấn đề lớn cần giải quyết: dịch Ebola.
- Hoài Linh