Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa yêu cầu những người ủng hộ ở Mỹ lấy mạng 100 binh sĩ nước này và đe dọa đó được chính quyền Washington coi là nghiêm trọng.

TIN BÀI KHÁC:


Sức nặng từ đe dọa mới nhất của IS cho thấy cách thức tổ chức này tận dụng truyền thông xã hội để tối đa hóa tiếng tăm của mình, tạo ấn tượng rằng IS có thể vươn rất xa và cực kỳ mạnh mẽ.

{keywords}
IS tận dụng Internet để khuyếch trương ảnh hưởng.

IS đã đăng tải lên mạng danh tính, ảnh và địa chỉ của 100 binh sĩ Mỹ kèm theo lời kêu gọi những người ủng hộ trong lòng nước Mỹ hãy giết chết họ.

Tuy đánh giá IS không có khả năng thực hiện một vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ, các nhà chức trách thừa nhận hiểm họa "sói cô đơn" vẫn là một mối lo ngại.

IS tuyên bố có trong tay tên tuổi, địa chỉ và ảnh của 100 quân nhân Mỹ bằng cách xâm nhập các máy chủ, cơ sở dữ liệu và thư điện tử của quân đội cường quốc số 1 thế giới. Họ cho biết, việc này được thực hiện bởi "Sư đoàn Tin tặc IS".

Tuy vậy, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ bình luận với báo New York Times rằng những cái tên mà IS nêu ra trong danh sách dường như được lấy từ các tài khoản mới của những binh sĩ tham gia không kích chống IS. Phần thông tin còn lại có thể trích xuất từ các hồ sơ công khai, các trang web bất động sản trên mạng, và truyền thông xã hội.

Thực tế, vào tháng 12 năm ngoái, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo các quân nhân hãy hủy thông tin cá nhân trên các trang mạng truyền thông xã hội, cụ thể là để ngăn chặn mối nguy từ một kế hoạch như trên của IS.

IS đã chứng tỏ là một tổ chức có thể tận dụng tốt lợi thế Internet. Theo một số ước tính, chiến dịch truyền thông xã hội của tổ chức này đưa ra hơn 90.000 thông điệp mỗi ngày, với 2.000 người dùng nòng cốt đồng loạt đăng tải cùng một nội dung.

"Để có nhiều tài khoản như vậy hoạt động động theo kỷ cương, làm cùng một việc hàng ngày thì quả là một công cụ khá mạnh" - J.M. Berger, một chuyên gia về khủng bố trên mạng, nhận xét với báo New York Times.

Tuy nhiên, truyền thông phương Tây, ở một cấp độ nào đó, cũng "a dua" với IS, góp phần tạo cho tổ chức này một diện mạo với ảnh hưởng quá mức - cả bên trong các cộng đồng Hồi giáo và cả trên truyền thông xã hội.

Cụ thể, theo ông Berger, nội dung của IS chiếm khoảng 0,01% lưu lượng của Twitter. Điều này đặc biệt đúng khi IS công bố các video ghi cảnh chặt đầu con tin phương Tây và hành hình một phi công Jordan.

"Cách báo chí đưa tin và phản ứng đi kèm của công chúng đã đảm bảo cho IS thể hiện là một "mối đe dọa chết chóc" đối với phương Tây, và thế giới Hồi giáo coi tổ chức này như là mũi nhọn trong làn sóng đấu tranh thánh chiến, Christian Science Monitor trích đoạn bài viết của Joseph Micallef, tác giả cuốn sách sắp phát hành có tựa đề "Nhà nước Hồi giáo: Lịch sử, Ý thức hệ và Thách thức", trên báo Huffington Post.

Thực vậy, một trong những mục tiêu cốt lõi của IS với các cuộc tấn công và hành động tàn bạo là nhằm khiến phương Tây chống lại đạo Hồi, vì vậy nhiều người Hồi giáo ở Phương Tây sẽ bị lôi kéo vào đội ngũ của chúng, theo tác giả Micallef.

Thanh Hảo