Tổng thống Putin, lúc 4h chiều nay (16/4), trả lời các câu hỏi của người dân Nga trong một cuộc giao lưu trực tuyến hàng năm được phát sóng trực tiếp trên truyền hình.

Được biết, ông Putin đã dành 2 ngày để chuẩn bị cho sự kiện này, bằng cách tham vấn các bộ trưởng và các chuyên gia. Trong  4 giờ đối thoại, ông nhận được hơn 3 triệu câu hỏi và đã trả lời  70 nhóm vấn đề mà người dân quan tâm.

 

{keywords}
Tổng thống Putin trả lời trực tuyến với người dân.

Có khoảng 250 nhà báo Nga cùng hơn 70 phóng viên nước ngoài đang tác nghiệp tại trường quay để đưa tin về sự kiện.

Tận dụng cấm vận để vươn lên

Trả lời các câu hỏi được gửi đến, Putin nói rằng Nga có thể dùng chính các lệnh cấm vận của phương Tây để thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách trở nên tự lực cánh sinh nhiều hơn nữa. Người đứng đầu chính quyền Moscow khẳng định với các lãnh đạo doanh nghiệp rằng ông không trông chờ cấm vận của Mỹ và EU sẽ sớm được dỡ bỏ.

"Chúng ta cần tận dụng tình hình hiện tại để đạt tới một mức độ phát triển mới", ông nói.

Putin thừa nhận nền kinh tế Nga sẽ mất khoảng 2 năm hoặc sớm hơn để quay đầu, vì giá trị đồng Rúp đang tăng trở lại. Mặc dù vậy, sản lượng công nghiệp sẽ thu nhỏ hơn nữa.

Theo ông, đang có nhiều dấu hiệu tích cực rằng nông nghiệp Nga đang tăng trưởng và thay thế được các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu từ phương Tây.

Nạn thất nghiệp ở Nga, theo Putin, không diễn biến nghiêm trọng. Ông đánh giá, tình trạng thoái vốn ra nước ngoài cũng không tới mức thảm họa. Vốn của các ngân hàng Nga đạt 77.000 tỷ Rúp, vượt xa giá trị tổng sản phẩm quốc nội. Ông cũng cho rằng, mức thâm hụt ngân sách 3,7% là chấp nhận được.

Căng thẳng Nga – phương Tây

Putin tuyên bố, phương Tây phải tôn trọng các lợi ích của Nga nếu muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Mỹ "không cần đồng minh, họ chỉ cần chư hầu", Putin bình luận và nói Nga không bao giờ chấp nhận vai trò đó. Ông khẳng định, gây áp lực lên Nga bằng các lệnh cấm vận là "không cần thiết và vô nghĩa".

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định nước ông vẫn sẵng sàng bình thường hóa quan hệ với phương Tây và không coi nước nào là kẻ thù.

"Sẽ là vô dụng nếu cố tình gây sức ép với Nga. Các đối tác phương Tây cần phải nhận ra điều này. Người dân Nga luôn hiểu rõ khi nào có sự bất công và tôi muốn cám ơn mọi người vì sự hỗ trợ của họ".

Putin nhấn mạnh, Nga hy vọng Pháp trả lại khoản thanh toán trước nếu không giao tàu chiến đã nhận đóng cho Hải quân Nga. Pháp đã trì hoãn ngày giao chiến hạm Mistral trong bối cảnh căng thẳng Nga – phương Tây về Ukraina tăng cao.

Ông nói thêm, Moscow sẽ không đòi tiền phạt hay bất ky khoản phát sinh nào, và nếu Paris không giao tàu thì cũng không ảnh hưởng đến năng lực Hải quân Nga.

Tổng thống Putin cũng cho biết, Moscow đã lên kế hoạch trang bị các loại vũ khí cho quân đội nước này từ nay đến năm 2020 để đảm bảo binh sĩ Nga sẽ nhận được các loại trang thiết bị hiện đại.

Các vấn đề chính khác

Putin cáo buộc Ukraina vi phạm các nghĩa vụ trong một thỏa thuận hòa bình khi duy trì bao vây kinh tế đối với các khu vực li khai. Ông nói Kiev không trả lương hưu và các khoản phúc lợi xã hội khác cho dân chúng miền đông và cắt các dịch vụ tài chính tới khu vực.

Theo ông Putin, làm như vậy, ban lãnh đạo Ukraina đã cô lập hoàn toàn các vùng miền đông khỏi phần còn lại của đất nước. Putin khẳng định ông vẫn tận tâm hợp tác với Tổng thống Ukraina để để giải quyết khủng hoảng, quả quyết rằng thỏa thuận Minsk đạt được hồi tháng 2 là cách duy nhất thoát khỏi xung đột.  

Về Trung Đông, Putin biện hộ cho việc dỡ bỏ một lệnh cấm bán một hệ thống phòng không tinh vi cho Iran, khi được hỏi về kế hoạch gây tranh cãi của Moscow bán các hệ thống phòng không S-300 cho Tehran.

"Chúng ta cần khuyến khích các đối tác Iran", ông Putin nói, ám chỉ một thỏa thuận sơ bộ nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước Công hòa Hồi giáo. Nhà lãnh đạo Nga cũng quả quyết Iran không phải là mối đe dọa đối với Israel.

Đề cập đến sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), ông Putin nói rằng IS bắt đầu xuất hiện tại Iraq và lan tràn khắp nơi. Theo Tổng thống Nga, có thể chính thể của ông Saddam Hussein không phải là một chính thể dân chủ nhưng khi đó không có nạn khủng bố.

"Tôi rất lo ngại khi có cả người Nga và người thuộc các nước SNG đang chiến đấu trong hàng ngũ của IS tại Iraq. Chúng tôi biết một số kẻ trong số này và lực lượng an ninh của chúng tôi đang tích cực xử lý vấn đề này", ông Putin nói.

Thanh Hảo