Đó có lẽ là ngôi trường bí ẩn nhất Trung Quốc. Cửa ra vào luôn
được công an canh gác 24/24, 7 ngày một tuần. Hiệu trưởng trường luôn là một
trong các phó Chủ tịch nước nếu không nói là Chủ tịch.
Các cựu hiệu trưởng của từng là Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Hồ Cẩm Đào. Trường này cũng là nơi mà các biện pháp cứu vãn kinh tế và căn bệnh xã hội được đưa ra thảo luận cũng như hoạch định các xu hướng chính trị.
Nằm gần Cung điện mùa hè - nơi nghỉ của hoàng gia vào thế kỷ 18, tại ngoại ô phía tây bắc Bắc Kinh, trường đảng thuộc Ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - Trường đảng trung ương không giống bất cứ một trường đại học hay cao đẳng nào khác ở Trung Quốc. Trường này chuyên đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC)
Không đông người, không cảnh hối hả ngược xuôi, khu trường rợp bóng lá rộng 100ha đặc biệt yên tĩnh và gần như không có người. Không có cảnh tắc nghẽn xe đạp mà thay vào đó, những chiếc ô tô Audi đen sang trọng xếp hàng ở các con đường ngoài trường học. Tại Trung Quốc, Audi, thương hiệu xe của Đức, được lựa chọn là phương tiện di chuyển chính thức của quan chức chính phủ.
Môi trường yên lặng và được bảo vệ là dành cho những học viên của trường, vốn gồm các tỉnh trưởng, bộ trưởng, các quan chức trẻ và trung niên, các diễn giả là khách mời và đôi khi là lãnh đạo hàng đầu của đất nước.
Các bài phát biểu mà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc thực hiện ở trường đảng trung ương và các bài viết của họ được in trên ấn phẩm của trường thường báo hiệu các chiến lược, chính sách mới mà chính phủ trung ương sẽ thông qua.
Hồi tháng 2, tại lễ khai mạc một hội thảo dành cho các quan chức cấp tỉnh và bộ tại trường đảng trung ương, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi những biện pháp quản lý xã hội mới nhằm "đảm bảo một xã hội hoà hợp và ổn định, tràn đấy sinh khí". Ông Hồ Cẩm Đào thừa nhận, Trung Quốc hiện trong giai đoạn mà nhiều cuộc xung đột có thể phát sinh, bất chấp những tiến bộ xã hội và kinh tế đáng chú ý.
Trong bài phát biểu, ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện cơ cấu quản lý xã hội, phải được thực hiện thông qua sự lãnh đạo của đảng, trách nhiệm của chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và sự tham gia của công chúng.
Tới tháng 3, tại phiên họp thường niên của Quốc hội và Uỷ ban quốc gia Hội nghị hiệp thương nhân dân Trung Quốc, một đề xuất quan trọng trong chương trình nghị sự đã được nêu ra đó là kêu gọi thành lập một hệ thống quản lý xã hội theo đặc trưng Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015).
Định hướng hoạch định chính sách ở Trung Quốc là truyền thống của trường đảng trung ương, ông Wang Haiguang, giáo sư khoa lịch sử của trường cho biết.
Trường đảng trung ương được thành lập năm 1933 tại tỉnh Giang Tây, đào tạo 61,024 quan chức theo các chương trình khác nhau.
Quan chức cấp tỉnh và cấp bộ thường trải qua một khoá học về khoa học chính trị, quản lý công, kinh tế và lịch sử trong 2 tháng. Các quan chức trung niên và trẻ sẽ dành 6 tháng tới 1 năm tại trường, đây là các đối tượng được học theo đề cử.
"Trường đảng trung ương đóng một vai trò quan trọng trong một vài giai đoạn quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Nói theo một số cách, trường đảng giữ một phần vai trò lèo lái sự phát triển của đất nước thông qua những người ra quyết định".
Wu Zhongmin, giáo sư của trường đảng trung ương, người chuyên nghiên cứu về công bằng xã hội nói: "trường đảng là nơi mà các quan chức và những nhà nghiên cứu tranh luận về tương lai đất nước và đảng. Họ phải đối mặt với các vấn đề và tìm cách giải quyết chúng"
- Hoài Linh (Theo ChinaDaily)