Ủy ban Điều tra của Nga vừa nhận diện một nhân chứng ‘then chốt’ trong vụ rơi máy bay MH17 tại đông Ukraina hồi tháng 7 năm ngoái.

Theo RT, nhân chứng này tên là Evgeny Agapov – một nhân viên cơ khí chuyên về vũ khí hàng không thuộc Không quân Ukraina. Người đàn ông này hiện đang được phía Nga bảo vệ.

“Vì giờ đây có bằng chứng mới cho thấy tính xác thực trong lời khai của nhân chứng, cũng như nhiều thông tin liên quan tới nghi vấn của một số tờ báo về sự hiện diện của nhân chứng này, chúng tôi quyết định công bố [danh tính của nhân chứng]”- người phát ngôn Ủy ban Điều tra này là ông Vladimir Markin nói.

Theo thông tin công bố thì nhân chứng này là công dân Ukraian, hiện đang làm nhân viên cơ khí trong phi đội số một của lữ đoàn bay chiến thuật thuộc Không quân Ukraina.

{keywords} 

Ông Markin cho biết người đàn ông này ‘tự nguyện vượt qua biên giới sang Liên bang Nga và bày tỏ nguyện vọng hợp tác với cơ quan điều tra Nga”.

Agapov khai rằng vào ngày 17/7/2014, một chiếc máy bay Sukhoi Su-25 của Ukraina do phi công Voloshin cầm lái được ‘giao một nhiệm vụ quân sự’.

Sau khi thực hiện nhiệm vụ, chiếc phi cơ trở về căn cứ với khoang chứa vũ khí trống không. Phi công Voloshin nói với đồng sự rằng chiếc máy bay ‘đã có mặt không đúng lúc hoặc không đúng thời điểm’.

“Các máy bay của chúng tôi bay thường xuyên. Khi trở về, phi công Voloshin bước ra khỏi buồng lái – Agapov nói và cho biết thêm là đã nghe được điều Voloshin kể lại rằng “Máy bay đó đã xuất hiện không đúng lúc”.

“Trong buổi chiều, chúng tôi được biết là một chiếc máy bay Boeing chở khách đã bị bắn hạ” – nhân chứng kể lại.

Agapov kể lại là vào ngày 17/7, các binh sĩ khác cùng với Agapov đã ‘phục vụ một phi cơ khác, nạp vũ khí vào máy bay’.

“Đứng gần đó là sĩ quan kiểm soát bay Dyakin, cơ trưởng Voloshin và hai phi công khác. Dyakin hỏi Voloshin rằng: ‘Chuyện gì xảy ra với chiếc máy bay đó (MH17)?’ Voloshin đáp: ‘Chiếc máy bay đó đã xuất hiện không đúng lúc, không đúng chỗ”.

Mới đây, hãng sản xuất vũ khí Almaz-Altei của Nga công bố báo cáo cho rằng hệ thống tệ lửa BUK-M1 có thể đã bắn hạ máy bay MH17, khiến 298 hành khách thiệt mạng. Hệ thống này đã không còn sử dụng tại Nga, nhưng Ukraina vẫn đang dùng.

Hãng này cũng không bác bỏ khả năng ‘về lý thuyết’ chiếc Boeing bị một loại tên lửa khác bắn, chẳng hạn như tên lửa không đối không.

Ukraina và phương Tây quy trách nhiệm cho quân ly khai tại đông Ukraina và Moscow về việc MH17 bị bắn rơi, với các lập luận cho rằng quân ly khai có được hệ thống tên lửa BUK (do Nga cung cấp).

Đáp lại, phía Nga cũng tìm các chứng cứ để chứng minh sự liên đới của Ukraina trong thảm kịch, như việc máy bay Su-25 của Ukraina xuất hiện gần thời điểm MH17 bị trúng tên lửa, cũng như thông tin về hệ thống tên lửa BUK mà Ukraina đang sử dụng.

Lê Thu