Quốc hội Hy Lạp hôm nay (11/7) đã bỏ phiếu ủng hộ việc cho phép chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras thương thuyết với các chủ nợ quốc tế trên cơ sở chương trình cải tổ kinh tế được công bố trong tuần qua.

Các nghị sĩ Hy Lạp đã có một phiên họp vào tối muộn hôm 10/7 và kéo dài qua nửa đêm sau khi nghe một kiến nghị cá nhân của Thủ tướng Tsipras, VOA và BBC đưa tin.

Nhà lãnh đạo này phát biểu trước Quốc hội rằng, ông hy vọng Hy Lạp đang ở đoạn cuối của một cuộc chiến cam go. Thủ tướng Tsipras so sánh những cuộc thương thuyết cứng rắn với EU cách đây vài tháng với một cuộc chiến mà chính phủ của ông phải đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân Hy Lạp.

{keywords}

"Chúng ta sẽ làm được", ông Tsipras dự đoán. "Chúng ta sẽ làm cho Hy Lạp không chỉ ở lại châu Âu mà còn tồn tại với sự kiêu hãnh và phẩm giá như những đối tác bình đẳng khác, và tìm kiếm quyền lợi của chúng ta ở châu Âu, mở ra một lối đi mới cho các nước khác ở khu vực này"

Các đề xuất mới của Hy Lạp gồm cả cắt giảm thêm trợ cấp và tăng thuế, đây là những đòi hỏi mà các bộ trưởng tài chính EU yêu cầu Hy Lạp thực hiện, và bị cử tri nước này từ chối trong cuộc trưng cầu dân ý vào chủ nhật tuần trước.

Đề xuất mới của Hy Lạp cũng bao gồm yêu cầu Quỹ tiền tệ quốc tế tái cơ cấu nợ. Hy Lạp đề nghị EU cấp 60 tỷ USD, dàn trải trong 3 năm tới.

Theo kế hoạch, toàn bộ 28 nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp khẩn cấp vào ngày 12/7 để quyết định liệu có chấp nhận đề xuất kinh tế của chính phủ Hy Lạp hay không. Một số nhà lãnh đạo cho hay, đây chắc chắn là cơ hội cuối cùng để Hy Lạp thỏa mãn những yêu cầu họ đề ra. Các lãnh đạo này nói, tới giờ họ đã quá thất vọng với việc Athens từ chối tiến hành thêm nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Nếu Hy Lạp và EU không đi tới thỏa thuận nào, thì Hy Lạp sẽ bị trục xuất khỏi khu vực đồng euro.

Thủ tướng Pháp Francois Hollande hôm 10/7 tuyên bố, đề xuất mới của Hy Lạp là nghiêm túc và đáng tin, cho thấy quyết tâm tiếp tục có mặt ở khu vực đồng euro của nước này

Tuần trước, Hy Lạp không trả được khoản nợ 1,8 tỷ USD cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khi các Bộ trưởng tài chính châu Âu từ chối gia hạn gói cứu trợ tài chính trước đó, vốn cho phép Hy Lạp trả nợ cho IMF.

Khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp bắt đầu từ đầu năm 2009 khi nước này tiết lộ chinh phủ bảo thủ trước đó không nói đúng thực trạng nợ của đất nước. Tiết lộ trên được công bố trong thời điểm suy thoái toàn cầu bắt đầu tồi tệ hơn.

  • Hoài Linh