Các nghị sĩ Hy Lạp vừa đồng ý với loạt biện pháp kinh tế khắt khe mà nước này được yêu cầu thực hiện để đổi lấy gói cứ trợ 86 tỷ Euro.

TIN BÀI KHÁC:


Các biện pháp đó bao gồm tăng thuế và tăng tuổi về hưu.

BBC đưa tin, 229 nhà lập pháp đã bỏ phiếu "Có", 64 người bỏ phiếu Không và 6 phiếu trắng.

{keywords}
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng thà chiến đấu trong một cuộc chiến bất công còn hơn là giao nộp vũ khí. (Ảnh: Reuters)

Một nửa số phiếu Không là của các thành viên đảng Syriza cầm quyền. Trong số này có Chủ tịch Quốc hội Speaker Zoe Constantopoulo, người đã bỏ ra ngoài giữa chừng rồi trở lại với bài phát biểu gay gắt, lên án một "ngày thực sự đen tối đối với dân chủ ở châu Âu". Cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis, người từ chức hôm 6/7, cũng bỏ phiếu chống.

Trước thềm sự kiện này, những người phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng đã đổ ra đường phố Athens. Ở gần tòa nhà Quốc hội, người biểu tình ném bom xăng vào cảnh sát khiến lực lượng này buộc phải đáp trả bằng hơi cay. Các nghiệp đoàn và tổ chức thương nghiệp đại diện cho người lao động cũng tổ chức đình công.

Thủ tướng Alexis Tsipras nói ông không tin vào thỏa thuận nhưng vẫn kêu gọi các nghị sĩ chấp nhận các biện pháp được yêu cầu. Nhà lãnh đạo này lập luận rằng ông thực thi các đề xuất "phi lý" là để tránh sự sụp đổ của các ngân hàng và tránh thảm họa cho Hy Lạp.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ông Tsipras nói: "Người Hy Lạp nắm rõ và có thể hiểu sự khác biệt giữa những người đấu tranh trong một trận chiến bất công với những người tự nguyện giao nộp vũ khí".

Thỏa thuận cứu trợ này đã được các thành viên khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhất trí ở Brussels hôm 13/7. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - một trong số các chủ nợ của Hy Lạp - cho rằng hành động như vậy vẫn chưa đủ mà Hy Lạp còn cần được xóa bỏ một phần nợ.

Kinh tế Hy Lạp đã thu nhỏ 25% trong 5 năm qua trong bối cảnh nước này phải thực hiện các biện pháp khắc khổ để giảm bớt nợ công.

Để bắt đầu đàm phán về gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ Euro trong 3 năm, các nghị sĩ Hy Lạp phải thông qua các biện pháp bao gồm:

- Phê chuẩn thông điệp của Hội nghị Eurozone

- Những thay đổi về VAT, trong đó có một tỷ lệ cao 23% đánh vào thực phẩm chế biến và nhà hàng; và 13% đánh vào thực phẩm tươi sống, hóa đơn năng lượng, nước, ở khách sạn; và 6% đánh vào dược phẩm và sách.

- Bỏ khấu trừ thuế VAT 30% cho các đảo của Hy Lạp

- Tăng thuế tập đoàn từ 26% lên 29% đối với các hãng nhỏ

- Tăng thuế các mặt hàng xa xỉ như xe hơi cỡ to, thuyền và bể bơi

- Chấm dứt chính sách về hưu sớm vào năm 2022 và tăng tuổi về hưu lên 67.

Hy Lạp hiện nay còn đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền mặt. Các ngân hàng đóng cửa từ ngày 29/6. Thủ tướng Tsipras cảnh báo tình hình này sẽ tiếp tục cho đến khi thỏa thuận cứu trợ mới được thông qua, và tiến trình này có thể mất một tháng.

Thanh Hảo