Nga vừa ban hành một học thuyết được sửa đổi lại cho lực lượng hải quân, trong bối cảnh mà họ cho là Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xâm lấn.

Theo học thuyết vừa được công bố trên website của Điện Kremlin hôm qua, Moscow đang tìm cách củng cố các vị trí chiến lược của hải quân tại Biển Đen, và tìm cách duy trì hiện diện tại Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

Thời báo Nhật Bản cho biết, học thuyết này đã phản ánh quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi tới mức nào.

{keywords}

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia duyệt binh nhân ngày Hải quân tại Baltiisk, phía Tây nước Nga vào hôm 26/7. Ảnh: Sputnik/AP

Trong học thuyết do Nga công bố năm 2010, NATO vẫn được coi là mối đe dọa lớn, nhưng cuộc chiến tại Ukraina đã đẩy căng thẳng lên mức chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Học thuyết hải quân mới nhấn mạnh vào ‘các kế hoạch không thể chấp nhận được của liên minh (NATO) nhằm đưa các cơ sở hạ tầng quân sự tới các biên giới (của Nga)’.

Do đó, Nga ra các mục tiêu ‘phát triển các hạ tầng’ cho hạm đội Biển Đen của họ đặt tại Crưm và kêu gọi ‘tái thiết và hoàn tất các địa điểm chiến lược của Nga’ tại Biển Đen.

Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin giải thích: “Lý do khiến chúng tôi hướng tới Đại Tây Dương là do sự mở rộng của NATO về hướng Đông”.

“Những thay đổi này cho thấy Nga đặc biệt chú trọng củng cố tiềm lực hải quân tại Bắc Cực và Đại Tây Dương, để đối trọng với NATO” – chuyên gia quân sự Alexander Golts nhận định.

Nhưng "nếu không có sự củng cố quyết liệt các tiềm lực của hạm đội, tất cả những điều này đều vô nghĩa" – ông Golts nói thêm.

Hồi tháng Hai, NATO đã thống nhất củng cố quốc phòng với 6 trung tâm chỉ huy tại Đông Âu và một lực lượng mũi nhọn gồm 5.000 quân để đối phó với điều mà khối này gọi là sự gây hấn của Nga tại Ukraina.

Lê Thu