Những người dân ở làng Hokse, Nepal nghèo tới nỗi họ buộc phải bán nội tạng để sống và ngôi làng của họ thậm chí còn được mệnh danh là "Thung lũng thận".
TIN BÀI KHÁC:
|
Trang Odditycentral đưa tin, những kẻ buôn bán nội tạng thường ghé qua khu vực này cũng như các vùng lân cận, và thuyết phục những người đang túng thiếu bán đi một trong những quả thận khỏe mạnh của họ.
Những kẻ này được biết tới với việc lừa những người dân vô tội đi tới miền nam Ấn Độ để tiến hành phẫu thuật với luận điệu rằng, con người chỉ cần sống với một quả thận hoặc sau khi cắt đi thận sẽ tự mọc lại.
Và chiêu lừa đảo này đã được sử dụng để lừa Geetha, một bà mẹ bốn con, người đã bán quả thận của cô chỉ với 2.000USD.
"Trong 10 năm qua, những kẻ buôn bán nội tạng đã tới làng của chúng tôi và ra sức thuyết phục mọi người bán thận nhưng tôi nói không", Geetha kể lại. Tuy nhiên, khi gia đình ngày một đông, mong muốn xây cho các con một căn nhà to hơn ngày càng thôi thúc cô.
"Tôi luôn muốn có một ngôi nhà và một mảnh đất của riêng mình và với một gia đình đông con, tôi thực sự rất cần nó".
Vì thế, cô đã đi cùng với em dâu của mình, một người môi giới nội tạng, tới Ấn Độ và thực hiện phẫu thuật. Quá trình này chỉ diễn ra trong vòng nửa tiếng, nhưng cô phải nằm viện để tĩnh dưỡng ba tuần.
"Khi tôi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, tôi cảm thấy như chưa có chuyện gì xảy ra và tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết mọi thứ đã xong xuôi", cô nói. "Sau đó tôi được trả 200.000 rupee Nepal cho quả thận của mình rồi trở về làng, để mua một căn nhà với một vài mảnh đất".
Thật không may, ngôi nhà của Geetha, được mua bằng quả thận của cô, đã bị phá hủy trong trận động đất rung chuyển Nepal vào cuối tháng Tư vừa qua.
Thảm họa này đã khiến nhiều người dân mất nhà cửa và đẩy họ tới nước mượn rượu để giải sầu. Và trong tình cảnh này, chỉ có nghề buôn bán nội tạng là hưng thịnh, biến quốc gia này trở thành một "ngân hàng thận" cho thế giới.
Mặc dù hoạt động này là phạm pháp, nhưng vẫn có khoảng 10.000 ca phẫu thuật chui với 7.000 quả thận được bán mỗi năm.
Không phải tất cả những kẻ buôn bán nội tạng đều đủ kiên nhẫn để đợi dân làng cho phép. Một số nạn nhân đã bị bắt cóc và buộc phải trải qua các ca phẫu thuật. Hoặc, họ có thể bị lừa để tin rằng họ cần phải thực hiện các ca phẫu thuật khác và bị lấy trộm thận mà không hay biết.
Một số người thậm chí còn bị giết để cướp đi hai quả thận của họ. Những quả thận này sẽ được bán cho những khách hàng giàu có với giá gấp 6 lần so với số tiền mà những người hiến tặng nhận được.
Năm ngoái, tạp chí TIME đã đưa tin về câu chuyện của Kenam Tamang, người bị chính con rể của mình lừa gạt. Anh ta đã hứa với bố vợ về một công việc tốt hơn tại Chennai, Ấn Độ nhưng khi họ tới nơi, Temang mới biết đó là một trò bịp bợm.
"Tôi bị đưa tới bệnh viện, nơi tôi được thông báo sẽ bị cắt thận", ông Tamang nói. "Nó nói với tôi là sẽ nhận được một khoản tiền lớn và không có vấn đề gì về sức khỏe cả, thậm chí là quả thận sẽ tự mọc lại".
Theo Laxman Lamichhane, một luật sư kiêm điều phối viên chương trình tại Diễn đàn Bảo vệ Nhân quyền Nepal (PPR Nepal), mọi người đang cảm thấy không an toàn và sợ hãi tại nơi họ đang sống mặc dù các lực lượng an ninh thường xuyên đi tuần.
Hằng ngày, họ phải chạm trán với quá nhiều người lạ. Một số người được xác nhận là những kẻ buôn người, những kẻ ra sức dụ dỗ mọi người về những công việc tốt và một cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài như Ấn Độ.
Krishna Pyari Nakarmi, một luật sư khác làm việc tại PPR cho biết thêm: "Khi quay trở lại những ngôi làng, những người đã bị lừa bán thận thường trở thành chủ đề bàn tán của dân làng. Họ thường bị xa lánh và tẩy chay trong chính cộng đồng của họ".
"Ngay cả con cái họ cũng bị phân biệt đối xử tại trường. Điều đó khiến họ tìm đến rượu, vì họ quá đau khổ và tuyệt vọng".
Sầm Hoa