Đối với Trung Đông, sự lớn mạnh của nhóm phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) tự xưng là một thảm họa. Còn với một doanh nghiệp Mỹ, đây là mỏ vàng.

Theo tờ Daily Beast, cuộc chiến chống IS không thật sự hiệu quả, vì lực lượng khủng bố này vẫn đủ sức đương đầu với các cuộc không kích của Mỹ tại Syria và Iraq trong hơn một năm qua.

Điều này cũng không ảnh hưởng gì tới việc các nhà thầu quốc phòng Mỹ ăn nên làm ra giữa lúc chiến sự. Hãng Lockheed Martin nhận được các đơn hàng cho hàng ngàn tên lửa Hellfire. AM General đang bận bịu cung cấp cho Iraq 160 xe Humvee, còn General Dynamics đang bán cho đất nước này hàng triệu USD đạn dược cho xe tăng.

SOS International là một doanh nghiệp gia đình với trụ sở chính đặt ở New York. Đây là một trong những người chơi lớn nhất tại chiến trường Iraq, với số nhân công người Mỹ chỉ đứng sau sứ quán Mỹ. Trong số ban cố vấn của công ty có cựu Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz, người được coi là một trong những công trình sư của cuộc tấn công vào Iraq, và Paul Butler – cựu cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Donal Rumsfeld.

{keywords}

Trên website của mình, công ty này (viết tắt là “SOSi”) cho biết, tổng giá trị các hợp đồng thu được từ công việc tại Iraq trong 2015 đạt hơn 400 triệu USD. Trong đó gồm có một hợp đồng 40 triệu USD cung cấp tất cả mọi thứ - từ bữa ăn cho tới hàng rào an ninh, cấp cứu hỏa hoạn và các dịch vụ y tế tại căn cứ Besmaya ở Iraq. Đây là một trong những địa điểm mà binh sĩ Mỹ đang huấn luyện cho binh sĩ Iraq.

Quân đội Mỹ dành cho SOSi một hợp đồng riêng khác, trị giá 100 triệu USD, vào cuối tháng Sáu vừa qua cho các dịch vụ tương tự ở trại Taji. Lầu Năm Góc hy vọng rằng, hợp đồng này sẽ kéo dài cho tới tháng 6/2018.

Một năm sau khi Mỹ tiến hành các đợt không kích nhằm vào IS ở Iraq, có khoảng 3.500 binh sĩ Mỹ triển khai tại đây, làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq. Tuy nhiên, có một con số không được đề cập tới, chính là số hợp đồng dân sự ngày càng tăng để đáp ứng việc hỗ trợ cho các chiến dịch này.

Theo quân đội Mỹ, có 6.300 nhân viên làm việc tại Iraq hiện nay nhằm hỗ trợ cho các chiến dịch của Mỹ. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đang tìm kiếm các cơ sở cung cấp dịch vụ an ninh, lái xe, hậu cần để làm việc tại các căn cứ của họ ở Iraq.

Mặc dù những con số này không đáng là bao so với hơn 163.000 người từng làm việc tại Iraq vào đỉnh điểm của cuộc chiến Iraq, nhưng số lượng này ngày một tăng. Và với cuộc chiến chống IS sẽ còn kéo dài nhiều năm nên đây cũng là một cơ hội lớn cho các công ty quốc phòng, an ninh và hậu cần, đặc biệt là khi công việc tại Afghanistan đang bắt đầu vơi dần.

“Điều này cho phép chúng ta giữ được thực địa không có vẻ gì rùm beng, trong khi vẫn gia tăng sự hiện diện” – Giáo sư luật Laura Dickinson tại Đại học George Washington cho biết.

Afghanistan vẫn là một môi trường kinh doanh phát đạt cho các nhân viên ký hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, các con số này đang giảm mạnh. Chẳng hạn, tháng 4/2014, hơn 60.000 nhà thầu quân sự còn làm việc tại đây, một năm sau đó con số này là 30.000 người.

Trong khi đó, công việc tại Iraq lại đang phát đạt – từ việc hỗ trợ buôn bán vũ khí cho Chính phủ Iraq tới cung cấp an ninh cho các căn cứ.

SOSi cũng cung cấp một loạt cố vấn cấp cao làm việc với Bộ Quốc phòng Iraq và chính quyền khu vực người Kurd ở Iraq. Cuối tháng Sáu, công ty giành được hợp đồng 700.000USD cung cấp các huấn luyện viên hỗ trợ an ninh và cố vấn cho các nhóm nhỏ trong vòng một năm. Hợp đồng này có thể gia hạn thêm bốn năm nữa, với tổng trị giá là 3,7 triệu USD.

Cựu Trung tướng Frank Helmick từng phục vụ trong quân đội Mỹ năm 2003-2011, nay là Phó Chủ tịch Các giải pháp sứ mệnh tại SOSi, cho biết các vị trí cố vấn này rất quan trọng: “Họ đang cố vấn ở cấp cao nhất – nơi hoạch địch các chính sách”.

Trong lần trở lại Iraq năm 2008-2009, Helmick đảm nhiệm việc cung cấp nhân sự, huấn luyện, trang bị cho các lực lượng an ninh Iraq. Do đó, công việc lúc này của ông cũng không có gì khác.

“Tôi trở đi trở lại Iraq nhiều lần trong suốt hơn hai năm qua tới tư cách là doanh nhân, điều này tất nhiên rất khác so với vai trò của một quân nhân, nhưng rất nhiều người mà tôi làm việc cùng vẫn mặc quân phục và đang ở đó cho tới nay” – Helmick nói.

Ông biết rõ rằng các nhân viên này đang đóng vai trò hỗ trợ then chốt tại Iraq.

“Các nhân sự này làm dày sự hiện diện của Mỹ. Nếu các binh sĩ được cử tới để cố vấn và huấn luyện thì không phải bố trí người tới nấu nướng, giặt giũ hay bảo đảm an toàn cho họ. Các nhân sự ký hợp đồng dân sự có thể làm những việc này. Chúng tôi để cho quân đội Mỹ và liên quân tập trung vào năng lực cốt lõi của họ” – ông Helmick nói thêm.

SOSi không phải là công ty duy nhất có hợp đồng cung cấp cố vấn cấp cao cho Chính phủ Iraq. Công ty ABM có trụ sở tại New York cũng có một danh sách các công việc ‘huấn luyện và cố vấn hỗ trợ an ninh” làm việc trực tiếp với các quan chức cấp cao chống khủng bố của Iraq.

Các nhân viên hợp đồng dân sự trên chiến trường vẫn là một đề tài tranh cãi, bởi vì các vụ lãng phí, gian lận và ngược đãi đang bùng nổ tại Iraq và Afghanistan suốt hơn một thập kỷ qua. Ước tính năm 2008, có khoảng 31-60 tỉ USD đã bị thất thoát cho các hợp đồng lãng phí và gian lận tại Iraq và Afghanistan.

Và các công ty cung cấp dịch vụ an ninh đang tiếp tục bị chú ý, sau khi một loạt vụ ngược đãi xảy ra trong vài năm qua. Vụ nổ súng tại quảng trường Nisour năm 2007 là vụ điển hình gây thiệt hại về danh tiếng cho ngành công nghiệp, khi mà các nhân viên an ninh cho Blackwater bắn chết 17 dân thường.

Tuy vậy, ngay từ ban đầu, các tư lệnh quân đội Mỹ đã cảnh báo rằng, cuộc chiến chống IS sẽ còn kéo dài. Hợp đồng của SOSi cho Taji tới năm 2018 mới hết hạn, nên có vẻ như công ty này và những doanh nghiệp tương tự sẽ còn tiếp tục làm ăn phát đạt vì cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc.

Lê Thu