Hơn 100 sĩ quan quân sự và tình báo thời Saddam Hussein hiện là chỉ huy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) khét tiếng tàn bạo. Đây cũng là lý do tại sao IS lại có được nhiều thành công tới vậy.


{keywords}

Theo một báo cáo mới được AP đăng tải, phần lớn giới lãnh đạo chóp bu của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) là cựu binh thời Saddam Hussein. Những kinh nghiệm mà đội ngũ này đem lại là lý do chính khiến IS thành công trong những cuộc chinh phục nhiều khu vực ở Iraq và Syria, các sĩ quan Iraq tham gia cuộc chiến chống IS cho hay.

Các cựu sĩ quan thời Saddam giúp IS xây dựng mạng lưới lãnh đạo, chiến lược quân sự, kết hợp những chiến thuật khủng bố như đánh bom liều chết với các chiến dịch quân sự và những kỷ luật cần thiết, để đoàn kết những chiến binh thánh chiến đổ về từ khắp nơi trên thế giới.

Lực lượng này được cho là chịu trách nhiệm về việc thu thập tin tình báo, do thám quân Iraq và duy trì, nâng cấp vũ khí, cũng như cố phát triển một chương trình vũ khí hóa học.

Giới chức quân sự Iraq ước tính, số cựu binh thời Saddam Hussein đang giữ các vị trí cấp cao và trung trong hàng ngũ IS hiện vào khoảng 100-160. Lực lượng này nhận được sự tán dương ở các khu vực mà người Sunni chiếm đa số, như một quy luật với các sĩ quan tình báo phần lớn tới từ tỉnh Anbar và đa phần các sĩ quan quân đội từ thành phố Mosul, phía bắc Iraq và Tikrit.

Một cựu sĩ quan CIA từng phục vụ tại Iraq là Patrick Skinner nói với AP rằng, các sĩ quan tình báo và quân đội thời Saddam là "thành phần không thể thiếu" trong những thắng lợi trên mặt trận của IS hồi năm ngoái, giúp cho nhóm này mở rộng quy mô, từ một tổ chức khủng bố tới một nhà nước nguyên thủy.

"Thắng lợi quân sự hồi năm ngoái của IS không phải là khủng bố, mà là thắng lợi quân sự", Skinner cho hay. Ông này hiện làm giám đốc một dự án đặc biệt cho Nhóm Soufan - một công ty chiến lược tình báo tư nhân.

Chỉ huy cấp cao thứ hai của IS, phó tướng của al-Baghdadi, là một cựu tướng thời Saddam - Saud Mohsen Hassan, bí danh là Abu Mutazz và Abu Muslim al-Turkmani. Hassan còn nổi tiếng với cái tên Fadel al-Hayali, tên giả mà nhân vật này thường dùng trước khi Saddam Hussein bị lật đổ.

Trong những năm 2000, Hassan bị giam tại nhà tù Bucca, nơi al-Baghdadi cũng bị giam giữ. Bucca là trại giam chính, chuyên nhốt các thành viên nổi loạn thuộc nhóm Sunni, ở nam Iraq.

Nhà tù do Mỹ điều hành ở gần thành phố cảng Umm Qasr này được coi là một nơi ươm mầm cho nhóm IS, giúp kết nối các chiến binh như al-Baghdadi với các cựu binh thời Saddam, vốn gồm cả các thành viên lực lượng đặc nhiệm, nhóm Vệ binh Cộng hòa tinh nhuệ và lực lượng bán quân sự gọi là Fedayeen.

Tại khu số 6 của nhà tù Bucca, al-Baghdadi đưa ra các bài thuyết giảng, trong khi Hassan lại rất giỏi trong việc quản lý mọi người, dẫn đầu các cuộc phản kháng của tù nhân để đòi những quản tù Mỹ phải nhượng bộ.

Trong số các lãnh đạo hiện thời của IS có nhiều cựu tù nhân Bucca, trong số này có Abu Alaa al-Afari - một cựu binh Iraq từng hợp tác với al-Qaeda, hiện giữ chức "bộ trưởng tài chính" của IS.

Theo nguồn tin tình báo Iraq, al-Baghdadi đã siết chặt sự đoàn kết giữa các thành viên trong IS sau khi bị thương vào năm ngoái. Nhân vật này đã bổ nhiệm một số đồng đội tin cẩn nhất vào nhóm hội đồng quân sự - khoảng 7-9 thành viên, và 4 trong số này là cựu binh thời Saddam.

Các cựu binh thời Saddam hiện giữ chức "tỉnh trưởng" của 7 trong số 12 tỉnh do IS lập ra ở lãnh thổ mà nhóm này đang kiểm soát tại Iraq.

Việc nhận diện các lãnh đạo IS được cho là không có hiệu quả. Ngoài al-Baghdadi, nhóm này hiếm khi tiết lộ bí danh các thành viên. Khi có tin một lãnh đạo nào đó của IS bị giết thì ngay lập tức, nhân vật này xuất hiện, đôi khi là dưới một bí danh mới.

Nhiều sĩ quan thời Saddam dường như có mối quan hệ chặt chẽ với các bộ lạc hoặc con trai các lãnh đạo bộ lạc ở khu vực của họ, và do đó giúp cung cấp cho IS một mạng lưới hậu thuẫn cần thiết, cũng như giúp tuyển quân.

Skinner (cựu sĩ quan CIA) đã đề cao sự tinh nhuệ của các sĩ quan tình báo thời Saddam mà ông này gặp ở Iraq cũng như năng lực do thám của IS tại Ramadi, Mosul và ở thủ phủ Raqqa của nhóm này ở Syria.

Hai phó tướng quan trọng của Abu Bakr al-Baghdadi đều là sĩ quan thời Saddam, mỗi người giữ một vị trí chủ chốt trong IS.

"Rõ ràng là một số sĩ quan thời Saddam phải là thành phần cốt lõi của phong trào thánh chiến tại tam giác Sunni ngay từ những ngày đầu", Michael W.S. Ryan, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc nhận định, khi đề cập tới những khu vực mà người Sunni chiếm đa số, những nơi thù địch nhất với quân Mỹ tại Iraq.

"Những hiểu biết của họ hiện nằm trong ADN của IS", ông này cho biết thêm.

  • Hoài Linh