Tại sao Trung Quốc lại phá giá mạnh đồng nội tệ và tác động của quyết định này ra sao?

TIN BÀI KHÁC:


Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sáng 12/8 tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu cặp tiền USD-NDT xuống thêm 1,6% xuống còn 6,3306 NDT đổi một đôla Mỹ. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp PBOC quyết định phá giá đồng tiền của nước này.

Trước đó ngày 11/8, PBOC đặt ra "tỷ giá tham chiếu" ở mức 6,2298 NDT đổi 1 USD, so với mức 6,1162 NDT - tương đương mức giảm 1,86%. Đây là lần hạ giá đồng tiền lớn nhất kể từ khi Trung Quốc cải cách hệ thống tiền tệ nước này năm 2005.

Quyết định này được đưa ra trong nỗ lực làm cho hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn sau những số liệu cho thấy xuất khẩu của nước này giảm sút 8,3% trong tháng 7.

{keywords}
Ảnh: Corbis

Trung Quốc đã làm gì?

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm giá đồng NDT gần 2% so với đôla Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và tiến một bước gần hơn tới mục đích đưa đồng tiền của quốc gia này trở thành đồng tiền dự trữ chính thức của thế giới.

Tại sao Bắc Kinh hành động lúc này?

Các số liệu cuối tuần qua cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,3% trong tháng 7, mức giảm lớn nhất trong 4 tháng, và tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán. Nó đánh dấu một thấp điểm, và các nhà chức trách đối mặt với áp lực phải giải quyết tình trạng sụt giảm kinh tế bằng một sự thay đổi chính sách mạnh mẽ.

Tại sao lại tập trung vào giá trị đồng tiền?

Đồng đô la Mỹ đã lên giá trong năm qua. Đồng NDT được kiểm soát duy trì sự chênh lệch gần như không thay đổi so với tờ bạc xanh, nhưng cái giá của chính sách này là khiến cho hàng hóa của Trung Quốc đắt đỏ hơn so với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Điều này đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Trung Quốc. Và giờ đây khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiến gần hơn tới lần tăng tỷ giá đầu tiên trong 7 năm qua, mà nhiều khả năng sẽ khiến đồng đôla mạnh thêm, thì trong con mắt của người Trung Quốc, tình hình sắp trở nên tồi tệ.

Ngân hàng Trung ương TQ đã làm gì?

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đặt ra "tỷ giá tham chiếu" ở mức 6,2298 NDT đổi 1 USD, so với mức 6,1162 NDT áp dụng trước đó - tương đương mức giảm 1,86%. Đây là lần hạ giá đồng tiền lớn nhất kể từ khi Trung Quốc cải cách hệ thống tiền tệ nước này năm 2005.

Ngân hàng này tuyên bố sẽ không mở rộng tiêu chuẩn dùng để tính toán biên độ - mà tại đó quyết định giá trị đồng tiền mỗi buổi sáng và về mặt lý thuyết cho phép dịch chuyển 2 điểm phần trăm lên hoặc xuống - mặc dù thực tế dao động này nhỏ hơn nhiều.

Quyết định mới giúp gì cho nền kinh tế TQ?

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực để cung cấp cho thế giới mọi thứ hàng hóa, từ thép thô cho tới tủ lạnh. Một đồng NDT rẻ hơn sẽ giúp cho xuất khẩu của Trung Quốc bớt đắt đỏ hơn, tiềm năng thúc đẩy doanh thu từ nước ngoài, vốn là một trong những động lực chính của tăng trưởng trong suốt 3 thập niên qua.

Nhân dân tệ sẽ thành đồng tiền dự trữ?

Trung Quốc đang tìm cách xây dựng trên cơ sở những cải cách năm 2005 nhằm đưa đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ nắm quyền rút đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Việc nước này tiếp tục kiểm soát đồng nội tệ là một trở ngại lớn khiến NDT chưa thể đứng cùng đồng đôla Mỹ, Euro, Bảng và Yên trong giỏ dự trữ.

Động thái mới của Trung Quốc có thể được xem là nới lỏng kiểm soát, tiến thêm một bước nữa tới việc đáp ứng các yêu cầu "vào cửa" của IMF. Trong tháng 8, tổ chức này tuyên bố còn nhiều việc nữa cần phải thực hiện để đồng tiền Trung Quốc có thể được xem xét trước kỳ đánh giá tiếp theo vào tháng 11.

Liệu có gây hại?

Liu Dongmin, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu tài chính quốc tế tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, bình luận: "Một sự điều chỉnh hợp lý về giá trị NDT là tốt cho xuất khẩu của Trung Quốc và tốt cho việc NDT được chấp nhận vào SDR. Nhưng quan trọng hơn cả là điều này đánh dấu một bước tiến lớn về cải cách tỷ giá NDT kể từ năm 2005 và là một bước lớn cho thị trường hóa NDT".

Mặc dù vậy, mục tiêu cam kết lâu nay của Bắc Kinh về một sự hoán đổi tiền tệ tự do có thể vẫn còn xa vời.

Mỹ phản ứng thế nào?

Động thái mới của Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến một phản ứng tức giận từ Mỹ - nước vẫn luôn cho rằng đồng NDT bị định giá thấp, gây hại cho xuất khẩu Mỹ. Nó cũng có thể buộc nhiều nước Đông Nam Á phải giảm giá nội tệ, khiến cho xuất khẩu sang Mỹ rẻ hơn và làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại của Washington.

Thanh Hảo