Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt liên hợp (JSOC) đã làm nên những kỳ tích như tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden, nhưng họ cũng mắc phải những sai lầm chết người.
Thất bại cay đắng
Mùa thu năm 1993, vào thời điểm cuộc săn lùng trùm ma túy Colombia Pablo Escobar lên tới đỉnh điểm, phần lớn đội đặc nhiệm của JSOC ở bên kia bán cầu cũng đang học bài học tương tự. Tuy nhiên, cuộc đi săn này kết thúc không mấy tốt đẹp.
Mohammed Farah Aideed |
Mohammed Farah Aideed – một thủ lĩnh của Somali kiểm soát phần lớn thủ đô Mogadishu – đã phát động cuộc chiến nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của Liên Hợp Quốc vận chuyển cứu trợ nhân đạo cho quốc gia Đông Phi vốn đang chìm trong nạn đói này. Tháng 8 năm đó, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã thông qua việc bố trí một đội JSOC đi bắt Aideed.
JOSC áp dụng các bài học từ Panama và Colombia cho lần này, tiến hành 6 đợt tác chiến trong tháng 8 và 9, để bóc tách dần vỏ bọc an ninh bố trí quanh Aideed. Chiều ngày 3/10, dựa trên thông tin thu nhập được, nhóm đặc nhiệm tiến hành đợt tác chiến thứ 7 – tấn công từ trên không vào cuộc họp của hàng ngũ bên trong của Aideed tại khách sạn Olympic ở khu chợ Bakara.
Đây cũng chính là khu vực trọng yếu trong vùng đất do Aideed kiểm soát. Thời điểm cho vụ đột kích không hề lý tưởng – vì JSOC thường hoạt động về đêm, hơn là giữa ban ngày, nhưng đây chỉ là cơ hội chớp nhoáng, nên nhóm đặc nhiệm không có nhiểu lựa chọn.
Vụ đột kích diễn ra tốt đẹp cho tới khi một tay súng bắn hạ trực thăng Black Hawk bằng súng phóng lựu. 20 phút sau đó, một khẩu súng phóng lựu khác hạ gục chiếc Black Hawk thứ hai. Như thường lệ, mỗi khi gặp nguy hiểm thì các nhiệm vụ đáng ra không được kéo dài quá một giờ đều bị ‘vỡ trận’. Vụ tấn công khiến 18 lính Mỹ thiệt mạng và nhiều người bị thương, cùng hàng trăm thương vong bên phía Somali. Aideed bình an vô sự.
“Viên đạn bạc”
Vụ ‘bắn hạ trực thăng Black Hawk’ cho thấy, dù trên lý thuyết, việc nhắm mục tiêu vào các cá nhân là một cách gây chiến tiết kiệm và hiệu quả, thì thực tế các phí tổn cho nó lại có thể rất lớn. Sau vụ khủng bố 11/9, Bộ Quốc phòng Mỹ coi việc ‘săn người’ là một ưu tiên. Suốt một năm sau đó, các quan chức cấp cao nhất của quân đội Mỹ đau đầu tìm cách đánh bại một tổ chức hoặc một mạng lưới.
Một quan chức của liên quân tính đến chiến lược ‘đánh rắn dập đầu’. Cách này hấp dẫn đối với các nhà hoạch định chính sách, vì đó có vẻ là một giải pháp ‘gọn lẹ’ cho rắc rối nan giải từ làn sóng Hồi giáo chống phương Tây trên khắp toàn cầu, mà lại đúng là các kỹ năng mà JSOC thành thạo.
Ngày 1/7/2002, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld gửi một bản ghi nhớ cho Thứ trưởng phụ trách Chính sách Douglas Feith với tiêu đề ‘Săn người’. Câu hỏi đặt ra trong biên bản: “Bộ Quốc phòng cần sắp xếp ra sao cho việc săn người?”. Câu trả lời: “Hiện tại rõ ràng chúng ta chưa tổ chức tốt việc này”. Khi nêu vấn đề như vậy, ông Rumsfeld đã coi cách làm này là viên đạn bạc chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Vài năm kế tiếp cho thấy cách chống khủng bố theo kiểu ‘chém tướng’ này không phải là viên đạn bạc, vì vào thời điểm mùa xuân-hè năm 2002 đó, mọi giới hạn còn chưa rõ ràng như sau này. Công thức khi đó đưa ra là ‘hai + bảy’, nhưng thực tế sau đó nhanh chóng biến thành ‘hai+bảy+30’ – đây là cách quan chức quân đội Mỹ mô tả hợp lý nhất về hàng loạt lớp vỏ an ninh quanh trùm khủng bố Osama bin Laden và phó tướng Ayman al-Zawahiri.
Cụ thể, quanh trùm khủng bố có 7 nhân vật then chốt của al-Qaeda, cùng với 30 quan chức cấp thấp hơn một chút.
Cuộc “săn cáo” quá trễ
Vào ngày 29/6/2005, Tư lệnh JSOC Stanley McChrystal được triệu tập tới Nhà Trắng, dự phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia về Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh của al-Qaeda tại Iraq. Khi McChrystal kết luận, Tổng thống Bush hỏi ông: “Ông có định bắt hắn không?”. McChrystal đáp: “Chúng tôi sẽ bắt hắn, thưa ngài Tổng thống”.
Vào thời điểm đó, quan chức quốc phòng Mỹ muốn loại bỏ Zarqawi khỏi chiến trường với hy vọng nhánh khủng bố này sẽ sụp đổ. Lực lượng của JSOC tại Iraq tìm cách loại bỏ các hàng ngũ cấp trung trong mạng lưới của Zarqawi, trước khi y kịp bổ sung người khác vào vị trí còn trống.
Zarqawi |
Khi đó, Zarqawi tìm cách phát động một cuộc nội chiến giữa các phe phái, trước khi mạng lưới của y bị phá hủy. Ngày 22/2/2006, các khối thuốc nổ do tay súng của Zarqawi cài đã phá tan mái vòm bằng vàng trên nóc nhà thờ Hồi giáo Al-Askari ở Samarra – một trong những nơi linh thiêng nhất của người Hồi giáo dòng Shia. Vụ đánh bom đã dấy lên vòng tròn bạo lực giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shia.
Mùa xuân năm đó, nhiệm vụ săn Zarqawi thậm chí còn được JSCO ưu tiên hơn cả việc truy lùng bin Laden và Zawahiri. “Về mặt quân sự, bin Laden đã bị vô hiệu hóa. Hắn không đi bất kỳ đâu. Hắn thật sự không thể di chuyển. Các trao đổi của hắn rất hời hợt... Zarqawi là mối đe dọa lớn hơn” – một nguồn tin tác chiến đặc biệt khi đó nhận định.
Cuối tháng 5, lực lượng đặc nhiệm đã vẽ sơ đồ được cấu trúc khu vực chỉ huy của nhóm này quanh Baghdad, và xác định danh tính của Abd al-Rahman chính là cố vấn tinh thần cho Zarqawi. Từ al-Rahman, JSOC đã lần ra Zarqawi.
Vào ngày 7/6, một máy bay do thám không người lái đã lần theo dấu vết của Raham khi đi ra khỏi Baghdad, tới ngôi nhà hai tầng ở Hibhib – ngôi làng cách trụ sở của McChristal ở Balad chỉ vài chục dặm. Các nhà phân tích, lực lượng tác chiến, và nhân viên mặt đất đã theo dõi chăm chú nhất cử nhất động của Raham, khi một người đàn ông rắn rỏi bước ra khỏi căn nhà và trở lại vào lúc chiều tối. Mọi người đoan chắc đó là Zarqawi.
18h12, một chiếc tiêm kích F-16 thả bom laser dẫn đường xuống ngôi nhà, một quả nữa cũng được thả xuống sau chưa đầy hai phút. Ngôi nhà vỡ vụn. Trung tâm tác chiến Balad ăn mừng ngay lúc đó. Tám phút sau, biệt đội Delta tới hiện trường vụ đột kích cùng với cảnh sát Iraq tìm kiếm Zarqawi. Zarqawi còn sống, nhưng bị thương rất nặng và không qua khỏi cơn nguy kịch.
Tổng thống Bush đã gọi để chúc mừng McChrystal vào đêm hôm đó. Nhưng cái chết của Zarqawi không mang lại bất kỳ hy vọng nào nhằm giảm bớt tình trạng bạo lực tại Iraq. Al-Qaeda nhanh chóng đưa phó tướng Abu Ayyub al-Marsi lên thay Zarqawi.
JSOC tiêu diệt Al-Marsi trong một trận càn, nhưng đã quá muộn khi Al-Marsi đã đặt nền móng cho việc ra đời của phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS) tại Iraq. McChrystal cay đắng thừa nhận: “Chúng ta đã tiêu diệt Zarqawi quá trễ”.
Những năm sau đó, JSOC hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Abbottabad, Pakistan. Nhưng chính từ chiến dịch săn người chống al-Qaeda tại Iraq đã cho thấy tính hiệu quả của JSOC, cũng như những hạn chế trong cách tiếp cận chống khủng bố vốn chỉ chú trọng vào các lực lượng tác chiến đặc biệt.
Lực lượng al-Qaeda tại Iraq đã bị ‘khoét rỗng’ vào năm 2011 – khi Mỹ rút khỏi Iraq, nhưng mạng lưới này vẫn chưa bị tiêu diệt. Tệ hơn thế, ba năm sau đó al-Qaeda tại Iraq chuyển hóa thành phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS) với ‘thiên đường’ kiên cố đóng tại Syria.
Lực lượng này tràn khắp vùng phía bắc Iraq, chiếm hết thị trấn này tới thị trấn khác mà JSOC và các lực lượng khác của Mỹ từng lấy lại từ tay al-Qaeda với cái giá vô cùng đắt đỏ nhiều năm trước đó.
Năm 2015, JSOC trở lại Iraq, tác chiến từ một căn cứ ở Kurdistan và sử dụng các tín hiệu và thông tin tình báo để định vị các đầu não của IS. Vậy là cuộc đi săn nữa lại bắt đầu.
Lê Thu