Lên 5 tuổi, em đã bị đưa tới Anh để làm việc như một đầy tớ và trải qua 10
năm cực nhọc trong cảnh đòn roi tại ngôi nhà mà em tưởng mình đang sống cùng bố
mẹ đẻ.
TIN BÀI KHÁC:
Thế giới 24h: Hư thực hải quân Trung Quốc
Bí mật thân phận thật của nàng Mona Lisa
Câu chuyện của nữ nô lệ được tiết lộ tại một phiên tòa ở London. (Ảnh:
Alamy)
Những gì nạn nhân nói trên phải chịu đựng đã được khơi ra trong một phiên xử
quyết định liệu em có được hưởng trợ cấp và giúp đỡ khi mà cuối cùng em đã thoát
khỏi cuộc đời nô lệ. Lúc đầu, cô bé bị từ chối trợ cấp khi được trao cho Hội
đồng Hillingdon chăm sóc lúc em 15 tuổi.
Thẩm phán Justice Keith cho biết, khi còn nhỏ, thiếu nữ này đã bị bắt phải làm
việc như một nô lệ trong một gia đình ở Wembley, tây bắc London và trong nhiều
năm, em đã gọi những kẻ tra tấn mình là bố mẹ. Em từng băn khăn tại sao mình
không được đến trường, và không được mua cho đồ chơi, quà tặng như những đứa trẻ
khác trong nhà.
Nạn nhân - được gọi là "Y" trong tài liệu tòa án - bị quật roi, bị "mẹ" đánh đập
bằng thìa gỗ hoặc dép guốc mỗi khi chưa làm xong việc nhà. Em cũng không được
phép ăn cùng các thành viên khác trong gia đình.
"Đối với chủ nhà, cô bé chỉ là một đầy tớ", quan tòa nói.
Nạn nhân cũng chưa bao giờ được phép ra khỏi nhà mà không có người đi cùng, và
nếu có ai hỏi, người phụ nữ bảo cô bé là con mình. "Y" sau đó bị đưa tới gia
đình khác ở Hillingdon để làm việc, và tại đó, sau 5 năm làm đầy tớ, cô bé cùng
khổ đến mức đã gói ghém đồ đạc và chạy trốn vào lúc nửa đêm.
Sau vài ngày sống dật dờ, một phụ nữ đã phát hiện ra cô bé đang ngủ trong một
bốt điện thoại ở Elephan and Castle nên đã báo cho cảnh sát. Một cuộc đời biệt
lập đã khiến cho "Y" gần như không hiểu gì về thế giới bên ngoài, và cô bé được
các sĩ quan mô tả là "như một con thỏ khiếp hoảng".
Sau đó, "Y" được trao cho Hội đồng Hillingdon, nơi nhận chăm sóc tạm thời cho cô
bé. Tuy nhiên, hội đồng này nghi ngờ việc "Y" nói mình mới 15 tuổi nên đòi quyền
được cấp chỗ ở và hưởng nhiều khoản trợ cấp theo Đạo luật Trẻ em. Mặc dù không
nhớ gì về thời thơ ấu của mình, "Y" nói em đã phát hiện một cuốn nhận ký dưới
đống quần áo trong ngôi nhà ở Wembley, ghi ngày sinh của em là 17/2/1993.
Quan tòa nói rằng, "hoàn toàn dễ hiểu" khi Hillingdon muốn biết tuổi thực sự của
cô bé, và hai chuyên gia về răng đã được ủy quyền xác định ngày sinh của em bằng
cách kiểm tra răng.
Hillingdon cho rằng, sự "tự tin và chín chắn" cho thấy "Y" phải hơn 18 tuổi khi
được hội đồng nhận chăm sóc song thẩm phán cho rằng đó có thể là do cô bé "lần
đầu tiên được tự do làm những gì mình thích". Ông cho biết, lời khai của nạn
nhân về cuốn nhận ký, đến thời điểm này, là bằng chứng quan trọng nhất của vụ
việc và ông chấp nhận ngày sinh này.
Hiện nay Y đã qua sinh nhật thứ 18 song phán quyết của tòa có nghĩa là em sẽ
được Hội đồng Hillingdon đối xử như một đứa trẻ cho đến năm 21 tuổi, được cấp
các khoản phúc lợi và hỗ trợ theo các điều khoản của Đạo luật Trẻ em.
Thanh Hảo (Theo Mail)