- Philippines sẽ báo cáo hành động xâm nhập của Trung Quốc lên Liên hợp quốc, chuyên gia Singapore bình luận về chiến lược Đông Nam Á của Trung Quốc, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng giải quyết vấn đề Biển Đông cần tòa án quốc tế về luật biển... là những tin hấp dẫn nhất trong 24 giờ qua.

Nóng rãy biển Đông

Bộ Ngoại giao Philippines sẽ báo cáo Liên hợp quốc về những hành động xâm nhập của các lực lượng Trung Quốc vào lãnh thổ nước này. Theo ông Ricky Carandang, Thư ký Văn phòng kế hoạch chiến lược và phát triển thông tin thuộc Phủ Tổng thống, Philippines cũng sẽ đệ trình ASEAN báo cáo riêng về vấn đề này.

Nghị sĩ Philippines Edgardo Angara, Phó chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, kêu gọi Bộ Ngoại giao nước này thành lập một phái đoàn ngoại giao đặc biệt nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế về Biển Đông. Phái đoàn này cũng có thể yêu cầu sự tham gia của Liên hợp quốc trong việc đàm phán.



Tờ Canberra Times đăng bài viết của Michael Richardson, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore cho rằng, "có vẻ Trung Quốc đang  bắt chước Mỹ, áp dụng học thuyết Monroe ngăn cấm các quốc gia khác kiểm soát Biển Đông".

Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 17/6 đăng bài phỏng vấn ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore. Khi trả lời câu hỏi về các bên liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông nên làm gì để giải quyết vấn đề này, ông Diệu cho hay "cần giải quyết vấn đề phù hợp với khuôn khổ tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS)".

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Australia, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, Trung Quốc đã có những hành động khiến Biển Đông trở nên căng thẳng. Tranh chấp chỉ có thể được giải quyết bởi các quốc gia có liên quan trực tiếp hoặc với sự đồng ý của những nước này và nhờ quốc tế làm trọng tài phân xử.

Và phát ngôn ấn tượng

"Tôi nghĩ hầu hết người dân Trung Quốc phải nhận ra điều này. Mối quan tâm lớn hơn, toàn diện hơn đối với Trung Quốc không phải là thực hiện những hành động biến mình thành kẻ bắt nạt trong mắt các nước khác", báo Thanh Niên dẫn lời Giáo sư Geoffrey Till, khoa Nghiên cứu quốc phòng Đại học King (Anh).

"Có một điều tôi cho là Trung Quốc không bao giờ muốn diễn ra, đó là những hành động ngang ngược hiện nay của họ sẽ khiến các nước ASEAN xem xét lại quan hệ kinh tế đang quyện chặt lấy nhau của hai bên và tìm kiếm giải pháp thay thế, như Ấn Độ chẳng hạn. Đây là một hệ lụy Bắc Kinh hoàn toàn không mong đợi".

Các tin nóng khác trong ngày

Tên lửa ở biên giới



Hãng tin Yonhap ngày 17/6 cho hay, Hàn Quốc vừa triển khai một loạt tên lửa dẫn dường đất đối đất ATACMS, có khả năng tấn công các mục tiêu ở CHDCND Triều Tiên tại khu vực biên giới liên Triều.

Theo Yonhap, Hàn Quốc đã mua 220 tên lửa ATACMS của Mỹ. Những tên lửa này có tầm bắn 165 km và có thể công phá chính xác các mục tiêu thông qua hệ thống định vị toàn cầu và công nghệ dẫn đường. Bộ Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc từ chối xác nhận thông tin trên.

Bom tiếp tục nổ



Các máy bay của NATO đã không kích thủ đô Tripoli của Libya vào trưa ngày 17/6. Hàng loạt tiếng nổ vang rền khắp thành phố trong cuộc oanh tạc hiếm hoi vào ban ngày của NATO.

Các cuộc không kích tăng cường này diễn ra sau một loạt động thái ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến Libya không đạt được kết quả. Mỹ và lực lượng đối lập đã bác bỏ đề xuất tổ chức bầu cử do con trai nhà lãnh đạo Gaddafi đưa ra.

Bão lớn tàn phá

Ít nhất 10 người chết và 33 tàu cá mất tích trong đợt bão mạnh đang hoành hành tại bang West Bengal, miền Đông Ấn Độ.

Thủ phủ Kolkata của bang West Bengal chìm trong làn nước và điện bị cắt ở nhiều nơi. Đại diện của hiệp hội ngư dân địa phương cho biết thêm, 33 tàu cá mất tích tại vịnh Bengal và trên mỗi tàu có ít nhất 16 người.

Ảnh nổi bật

Đống đổ nát còn lại của một khách sạn ở Tripoli, Libya sau khi bị máy bay của NATO không kích. Ảnh: Hamza Turkia.

Ngày này năm xưa

Ngày 18/6/1815 đã diễn ra trận Waterloo, gần thành phố Brussels (Bỉ). Tham chiến có quân Pháp với gần 72 nghìn người, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Napoleon Bonaparte và liên quân Anh – Phổ do tướng Wellington cầm đầu.

Quân đội của Napoleon đã bị quân Anh – Phổ đánh bại hoàn toàn. Thất bại  này buộc Napoleon phải thoái vị lần hai . Ông bị đầy ra đảo Saint Helena (Đại Tây Dương) và chết ở đó năm 1821.

  • Thanh Vân (Tổng hợp)