Các vụ bắt cóc mang lại cho Nhà nước Hồi giáo (IS) 25 triệu USD trong năm 2014, theo ước tính của tình báo Mỹ. Đây cũng là công cụ tuyên truyền đắc lực cho tổ chức này.

TIN BÀI KHÁC:

Các vụ bắt cóc phụ thuộc vào nhiều nhân tố, từ gián điệp cho tới người chỉ điểm, kẻ bắt cóc, cai tù và những người đàm phán thỏa thuận khi một con tin được tự do.

{keywords}
(Ảnh: BBC)

Nhà báo Omar Al-Maqdud người Syria đã tới gặp một số nhân vật liên quan và tường thuật lại trong một bài viết trên tạp chí BBC:

Các đây 2 năm, nhà báo Mỹ Steven Sotloff đã tới gặp tôi ở nhà riêng tại Mỹ và nói anh đang định tới Syria. Tôi cố thuyết phục nhưng không được. Ba ngày sau, anh gửi thư cho tôi từ gần Alleppo, hỏi xin các số liên lạc. Không lâu sau đó, anh bị bắt cóc.

"Có ba chiếc xe. Tôi nhìn thấy họ từ khoảng cách xa - khoảng 500m", Yusuf Abubaker, người đi cùng với Sotloff kể lại. "Ngay khi bọn họ nhìn thấy chúng tôi, họ ra khỏi xe và chặn đường. Tôi muốn rút súng ra và nhắm bắn nhưng có tới 10-15 người trước mặt. Họ mang súng Kalashnikov".

Sotloff và Abubaker bị tách ra. "Tôi đã cố gắng hô lên nhưng họ bịt miệng tôi", Abubaker cho biết. Anh đã được trả tự do 15 ngày sau đó nhờ có quan hệ với một lữ đoàn quyền lực trong Quân đội Syria Tự do (FSA) chống chính phủ. Nhưng một năm sau, vào tháng 9/2014, IS tung ra video cảnh Sotloff bị chặt đầu, theo sau vụ hành quyết nhằm vào một nhà báo Mỹ khác, James Foley, cũng trong hoàn cảnh tương tự.

{keywords}
Nhà báo Mỹ Steven Sotloff. (Ảnh: EPA)

Theo tổ chức Nhà báo Không biên giới, tổng cộng 181 nhà báo, nhà báo công dân và các blogger đã bị giết chết ở Syria kể từ năm 2011. Ít nhất 29 người, gồm 9 người nước ngoài, vẫn đang mất tích hoặc đang làm con tin trong tay IS hoặc các tổ chức cực đoan khác.

Ở thị trấn Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ, tôi gặp một người đàn ông Syria, một cựu điệp viên IS xưng tên giả là Abu Huraira. Anh ta thú nhận chuyên lần theo các nhân viên truyền thông đưa tin về xung đột và giúp sắp xếp tình huống để họ bị bắt cóc.

Huraira còn giả làm người tị nạn Syria và nhờ các hướng dẫn viên giới thiệu mình với nhà báo. Sau vài cuộc gặp, anh ta sẽ đề nghị nơi ghi hình ở gần biên giới để phục vụ cho việc đưa tin. Việc cuối cùng anh ta cần làm là chuyển mọi chi tiết kế hoạch làm việc đó cho bọn bắt cóc. 

Vào thời kỳ đầu của cuộc xung đột, Abu Huraira là một thành viên của FSA. Sau đó, anh ta tham gia một nhóm liên kết với al-Qaeda trong thời gian ngắn rồi chuyển sang làm việc cho IS. Anh ta nhất trí gặp tôi vì đã quyết định rời IS vĩnh viễn.

Abu Huraira khoe ra rất nhiều ảnh các con tin, thông điệp và cả băng ghi âm các cuộc trò chuyện qua mạng của anh ta với các thủ lĩnh IS ở tỉnh Raqqa. Tất cả cho thấy các vụ bắt cóc được lên kế hoạch kỹ càng như thế nào.

Huraira tiết lộ rất nhiều người như anh ta sẵn sàng cung cấp thông tin cho kẻ bắt cóc, vì ý thức hệ hoặc vì tiền.

Tôi từng tới Antakya một năm trước và Abu Huraira thú nhận cũng đã theo dõi tôi khi đó. Gần như anh ta đã "bán đứng" tôi lấy vài nghìn đôla - anh ta biết tôi ở đâu, đi với ai và tới những điểm nào. Tất cả các thông tin này đều được chuyển cho IS nhưng thật may là chúng tôi đã hủy chuyến đi vào phút chót.

Theo Abu Huraira, IS có cả một cơ quan chuyên trách bắt cóc, được gọi là "Bộ máy Tình báo". Mục tiêu bị nhắm đến là các nhà báo nước ngoài ngay khi họ đặt chân tới các thành phố gần biên giới Syria.

Một báo cáo tình báo của Mỹ ước tính, năm 2014, IS kiếm được 25 triệu USD từ các khoản tiền chuộc. Đôi khi, IS bắt cóc người không phải vì tiền mà để trừng phạt họ.

Thanh Hảo