- Hôm 24/9, một vụ giẫm đạp kinh hoàng đã xảy ra ở lễ hành hương Hajj tại thành phố Mina, gần thánh địa Hồi giáo Mecca, làm hơn 700 người thiệt mạng.

Vụ giẫm đạp xảy ra ngay trong ngày đầu tiên của Eid al-Adha hay còn gọi là Lễ Hiến sinh. Theo cơ quan Dân phòng Ảrập Xê-út, hàng trăm người khác đã bị thương trong vụ việc đáng tiếc này.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama, sáng 25/9 đã trao đổi với báo VietNamNet về thảm kịch này.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

Nhà báo Ngân Phương: Xin cám ơn ngài Đại sứ đã tham gia chương trình cùng với chúng tôi!

Đại sứ Saadi Salama: Vâng, xin cám ơn các bạn và các khán giả của báo VietNamNet!

Nhà báo Ngân Phương: Thưa ông, xin ông giúp độc giả của báo VietNamNet hiểu hơn về lễ hành hương, cũng như ý nghĩa của lễ hành hương này đối với người Hồi giáo.

Đại sứ Saadi Salama: Như các bạn đã biết, lễ hội có 5 trụ cột, một trong 5 trụ cột đó là việc người Hồi giáo phải thực hiện một cuộc hành hương. Tuy nhiên, cuộc hành hương này không phải là một trụ cột bắt buộc.

Đạo Hồi đã chỉ giáo, những người nào có điều kiện thì có thể đi hành hương. Điều kiện đó là phải có tài chính và sức khỏe. Những người không có tài chính và sức khỏe thì không nên đi hành hương vì điều này không phù hợp với hoàn cảnh của họ.

Mỗi một năm, vào tháng 11 theo lịch Hồi giáo, hơn 3 triệu người theo đạo Hồi đều tập hợp tại một khu vực quá nhỏ hẹp. Đó là xung quanh thành phố thiêng liêng của những người Hồi giáo, thánh địa Mecca. Để quản lý 3 triệu người đó không phải đơn giản. Đối với những người Hồi giáo, hành trình đến với Mecca rất là vất vả nhưng đầy tự hào.

Nhà báo Ngân Phương: Tại sao trong xã hội hiện đại vẫn xảy ra hiện tượng hàng trăm người thiệt mạng trong các vụ giẫm đạp tại những cuộc hành hương như vậy?

Đại sứ Saadi Salama: Đây không phải chuyện khiến mọi người bất ngờ. Chúng ta có thể nhìn thấy ngay vấn đề. 3 triệu người tập trung tại một khu vực nhỏ và thực hiện nghi lễ trong một khoảng thời gian.

Theo các trụ cột của cuộc hành hương, kể từ sáng ngày mùng 10/11 (lịch Hồi giáo), 3 triệu người sẽ phải tới ném đá vào một địa điểm trong khoảng thời gian từ 6h sáng tới 1h trưa. Nếu không làm vậy, cuộc hành hương của họ coi như chưa hoàn tất. Vì đó là một trụ cột của cuộc hành hương.

Chúng ta nhìn thấy, những người đi hành hương có cả người trẻ tuổi và cao tuổi. Quá trình đi hành hương là một quá trình mệt mỏi. Trước đó, mọi người sẽ dừng chân ở núi Arafat, cả đêm họ phải thức ở đây. Ngoài ra, thời tiết ở Ả rập Xê út trong tháng hành hương này quá nóng. Có nhiều người già phải di chuyển bằng xe lăn để có thể thực hiện được các nghi lễ.

Nhiều người không tuân theo chỉ đạo của ban tổ chức và chỉ muốn làm xong việc của mình càng nhanh càng tốt. Điều này đã dẫn tới hiện tượng chạy toán loạn trong lễ hành hương và có thể làm người khác ngã. Khi một ai đó bị ngã trong không gian quá chật hẹp, với khoảng 10 người/mét vuông, mọi người sẽ không biết được có người ngã và vẫn tiếp tục đi. Kể cả nếu không tiếp tục thì người đằng sau sẽ đẩy họ đi, dẫn tới thảm kịch thương tâm.

Nhà báo Ngân Phương: Vậy ngài có thể đưa ra các biện pháp để ngăn chặn tình trạng này tái diễn trong tương lai không?

Đại sứ Saadi Salama:  Tôi nghĩ rằng các biện pháp cần được thực hiện từ hai bên. Bên thứ nhất là Ảrập Xê-út. Quốc gia này đã rất nỗ lực, thậm chí còn thành lập cả Bộ Hành hương, chuyên tạo điều kiện thuận lợi cho những người tới hành hương ở Mecca. Là một đất nước có điều kiện, Ảrập Xê-út đã tổ chức nhiều mùa hành hương thành công.

Bên thứ hai là các quốc gia có các đoàn đi hành hương. Họ phải cử người đi hướng dẫn để thông báo lại các chỉ đạo của ban tổ chức. Ví dụ, những người hành hương Indonesia xuất phát lúc 10 giờ thì phải xuất phát đúng 10 giờ, chứ không phải 10 giờ kém 10 phút hay 10 giờ 10 phút, vì như vậy sẽ ảnh hưởng tới chương trình đưa 3 triệu người thực hiện các nghi lễ tôn giáo.

Tôi nghĩ rằng, Chính phủ Ảrập Xê-út cũng nên thành lập một ban điều tra nguyên nhân vụ giẫm đạp.

VietNamNet