Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã trừng phạt 249 quan chức vì tội lười biếng, chi tiêu kém hiệu quả ngân sách nhà nước, chậm trễ thực hiện các dự án...

TIN BÀI KHÁC

Nguyên nhân của việc xử phạt bắt nguồn từ tình trạng nhiều quan chức không dám phê duyệt các dự án lớn, do e ngại cơ quan chống tham nhũng. Điển hình là dự án tái chế thực phẩm ở tỉnh Sơn Tây, bị trì hoãn tới cuối tháng 5/2015, dù đã được cấp ngân sách từ năm 2012.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần phê bình các địa phương lười biếng và dọa sẽ trừng phạt, bằng cách thu hồi số ngân sách không được triển khai. Sau một thời gian điều tra, tổng cộng có 249 quan chức ở 24 tỉnh, vùng, thành phố bị cảnh cáo, giáng cấp hoặc sa thải.

{keywords}
Thủ tướng Trung Quốc chào hỏi nông dân trong một cuộc giám định đất nông nghiệp. (Ảnh: Xinhua)

Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức cho biết: “Mục đích của việc trừng phạt những người này là nhằm thúc đẩy công tác và chỉnh đốn tình trạng quan chức lười nhác, ăn không ngồi rồi... đồng thời đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế năm nay được thực hiện đúng định hướng”.

Cuối tháng 8, Chính phủ Trung Quốc đã thu lại 296 tỷ NDT (46,5 tỷ USD) tiền ngân sách, để điều phối đầu tư cho các dự án phát triển cấp bách, cải thiện cuộc sống cho người dân.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhiều lần chỉ trích các quan chức có thái độ lười biếng và chậm chạp, trong việc thực hiện chỉ thị về đường lối chính sách của chính phủ, do muốn tránh bị chú ý trong chiến dịch chống tham nhũng.

Mức tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc được dự báo là ở mức thấp nhất 25 năm qua. Tình trạng này đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư và hoạch định chính sách trên thế giới.

Lan Phương