Đội tàu dân sự của Trung Quốc thường ít được giới nghiên cứu chiến lược biển chú ý đến. Tuy nhiên, nhóm tàu này thực sự có khả năng nâng cao sức mạnh cứng trên biển của quốc gia châu Á.

TIN BÀI KHÁC

Năm 2012, đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) lần thứ 18 đặt ra mục tiêu xây dựng TQ thành một ‘cường quốc biển mạnh’. Tiếp đó, chiến lược quân sự quốc gia TQ năm 2015 kêu gọi ‘từ bỏ quan niệm coi trọng đất liền hơn biển’.

Các học giả Mỹ phân tích về ‘sức mạnh biển’ của TQ cũng chủ yếu dựa trên tiềm lực quân sự với trọng tâm là Giải phóng quân (PLA), Hải quân (PLAN) hoặc lực lượng tuần duyên.

Theo Eurasia Review, các nhà chiến lược của TQ lại nhìn nhận điều này khác đi một chút khi lĩnh vực dân sự và kinh tế của sức mạnh hàng hải TQ đang ngày càng được coi là công cụ để đảm bảo không gian hàng hải. Chính quyền TQ đang tìm cách sử bổ sung chức năng an ninh cho các lĩnh vực kinh tế này.

Ngoại trừ trong bối cảnh xung đột quân sự truyền thống, các đội thương thuyền và tàu cá ngư dân dường như đang được triển khai trước các đội tàu dân sự. Các tàu này tăng cường đáng kể tiềm lực trinh sát, hậu cần, thậm chí phòng thủ với ít nguy cơ leo thang xung đột hơn.

{keywords}

Đội tàu cá Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Các đội thương thuyền (tàu buôn) TQ là một trong số các nhóm tài sản có chức năng kép này. Dennis Blasko – một học giả về TQ, từng là Tùy viên quân sự Mỹ tại Bắc Kinh – ước tính các tàu buôn của TQ (gồm cả đại lục và Hong Kong) vào khoảng 5.076 tàu. Đây cũng là đội tàu lớn nhất thế giới.

Dù tăng trưởng kinh tế TQ chững lại, quy mô của nhóm tàu buôn này vẫn tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm qua. Vai trò của nhóm này cũng ngày càng quan trọng hơn. Cùng lúc, số tàu do TQ sở hữu nhưng đăng ký dưới cờ nước khác cũng dần tăng lên và khó giám sát, thanh tra hơn.

Các đội thương thuyền này thường xuyên tham gia các đợt tập trận với PLA và các đợt vận động nhằm tăng khả năng tác chiến với quân đội. Hoạt động này cho thấy, kết quả thành công trong tác chiến thực thụ, trong đó có thể kể đến việc 5 tàu buôn sơ tán công dân TQ tại Libya.

Khả năng phối hợp tác chiến này sẽ còn tăng thêm khi TQ đưa vào bộ ‘Tiêu chuẩn kỹ thuật năm 2015 cho các tàu dân sự mới để thực thi các yêu cầu quốc phòng’.

Tài liệu này gồm các đặc điểm kỹ thuật quân sự và các yêu cầu thiết kế được ủy thác cho mọi công ty đóng tàu (cả nhà nước lẫn tư nhân) cho các tàu chở hàng, các loại phà, tàu đa chức năng, tàu vận tải hàng rời. Do đó, các tàu này duy trì tiềm lực quân vận, đổ bộ, do thám, hậu cần và các năng lực liên quan tới vận tải, và quy mô các đội tàu này sẽ còn tăng thêm.

Bắc Kinh có đội tàu cá đông nhất thế giới, với 694.905 tàu có động cơ vào năm 2013, cộng với 14,43 triệu nhân công. Đây cũng là nguồn sức mạnh hàng hải nữa cho TQ. Các tàu này đang tới tận ngoài khơi Tây Phi để đối phó với tình trạng đánh bắt quá tải ở biển gần bờ, một mặt để duy trì vị thế xuất khẩu cá lớn nhất thế giới của TQ, mặt khác mở rộng tầm tiếp cận trên toàn cầu.

Khi tham gia hàng ngũ dân quân trên biển, các tàu cá này có thể cùng lúc làm hai nhiệm vụ: trước tiên là một lực lượng quốc phòng ở vòng ngoài, thứ hai là lực lượng an ninh đối nội. Mục đích tác chiến bao gồm làm hậu cần cho các đơn vị quân sự, phản ứng nhanh, bao bọc và ngụy trang cho các đơn vị quân sự, thậm chí thực hiện phá hoại nếu được trang bị vũ khí hạng nhẹ.

Những năm gần đây, các tàu này gia tăng tiềm lực chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát (C4ISR) thông qua các tàu được trang bị điện thoại và radio vệ tinh, giúp các nhà hoạch định chính sách có thể theo dõi tình hình trên biển tốt hơn.

Mặc dù nhóm tàu này là lực lượng dự bị với thành phần là dân thường, nhưng các dân quân trên biển lại được huấn luyện thường xuyên và tập trung hơn về mặt kỹ thuật tối tân so với các dân quân thông thường của TQ.

Các đơn vị này là những nhân tố quan trọng trong những sự kiện đáng chú ý như vụ đối đầu với tàu Impeccable của Hải quân Mỹ năm 2009. Những sự vụ này cho thấy một lực lượng phi quân sự lại có khả năng xua đuổi các đối thủ ra khỏi vùng biển mà không gây nguy cơ leo thang xung đột (như một lực lượng quân sự).

Để đo lường hết quy mô sức mạnh biển của TQ, Mỹ và các đồng minh ở cả cấp chính quyền và dân sự phải tăng cường tương tác và tham gia với các nhân tố hàng hải phi truyền thống của TQ, để quan sát các tiềm lực của những nhóm này, cũng như các tình huống có thể dẫn tới việc triển khai các lực lượng an ninh thay cho quân đội.

Nếu đánh giá thấp lực lượng này sẽ dẫn tới việc lơ là các khía cạnh quan trọng khi quyết định nên hợp tác hay cạnh tranh với TQ trong tương lai. Nếu đánh giá quá cao thì lại dẫn tới việc thổi phồng nguy cơ phóng chiếu sức mạnh của TQ trong tương lai.

Hiện tại, các tàu này sẽ hỗ trợ khía cạnh kinh tế của sức mạnh hàng hải TQ, nhưng trong tình huống cứu trợ thảm họa hay xung đột, các tàu này có thể chuyển sang hỗ trợ quân đội trong hoặc trước khi điều động các lực lượng thông thường.

Lê Thu (tổng hợp)