Lần đầu tiên một máy bay chiến đấu S-24 của Nga rơi ở Syria, nhưng không phải do trúng đạn của IS, mà vì bị chiến cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

Tổng thống Vladimir  Putin đã có phản ứng rất mạnh mẽ trước vụ này, tuyên bố sẽ bắt Ankara phải nhận "hậu quả bi thảm". Moscow khẳng định, máy bay vẫn trong không phận của Syria, trong khi viên phi công sống sót nói anh không hề nhận được cảnh báo.

{keywords}
Chiếc Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. (Ảnh: EPA)

Phía Thổ Nhĩ Kỳ đã trưng ra bằng chứng ngược lại. Trong thư gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại diện Ankara nói, hai máy bay không rõ danh tính đã vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ gần thị trấn Yayladagi thuộc tỉnh Hatay.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã đưa cảnh báo 10 lần trong 5 phút thông qua một kênh khẩn cấp, yêu cầu hai máy bay đổi hướng. Tuy nhiên, hai chiến đấu cơ này vẫn phớt lờ, bay 2,19km và 1,85km vào không phận Thổ trong vòng 17 giây.

Tiếp đó, một máy bay rời đi còn máy bay thứ 2 bị các chiến đấu cơ F-16 của Thổ đang tuần tra chiến đấu trên không bắn hạ, rơi xuống biên giới Syria.

Đây không phải lần đầu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu với Su-24 của Nga. Hồi đầu tháng 10, phi đội F-16 phản ứng nhanh của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất kích để chặn một chiếc Su-24 và một chiếc Su-30SM của Nga xâm phạm không phận.

"Lão tướng" F-16

{keywords}
Hai máy bay F-16C của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: LMTAS)

F-16 là một loại tiêm kích đa năng, được hãng General Dynamics phát triển cho Không lực Mỹ. Bắt đầu hoạt động từ những năm 1980, nhưng đến nay, chiến cơ này vẫn chứng tỏ là một "ngựa thồ" nhanh nhẹn và cơ động trong chiến đấu, được xếp vào một trong những loại tiêm kích thành công nhất thế giới.

Với khả năng bay ở độ cao tối đa 12.000m, F-16 có thể di chuyển với vận tốc 2.400 km mỗi giờ.

{keywords}
Một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh. (Ảnh: TR Defence)

Không những có khả năng ném bom mặt đất chính xác, F-16 còn có thể đánh chặn trên không hiệu quả. Đặc điểm nổi bật nhất của F-16 là luôn mang theo hai tên lửa AIM-9 Sidewinder uy lực và một súng M-61 Vulcan, tức pháo xoay nòng có cỡ đạn 20mm, có thể bắn 100 viên/giây.

Biến thể F-16C/D còn được trang bị hệ thống radar tầm xa AN/APG-68 với phạm vi hoạt động lên tới 300km và có thể cùng lúc theo dõi 10 mục tiêu. Máy bay này có thể mang 7,7 tấn vũ khí các loại, như tên lửa không đối đất, không đối không, không đối hải cùng các loại bom thông minh có dẫn đường.

{keywords}
Dàn F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Tayyareci.com)

Với những thế mạnh này, F-16 hiện đang là loại vũ khí chủ lực của không quân 24 quốc gia trên thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sở hữu 240 chiếc F-16, trong đó có 8 chiếc tự sản xuất theo công nghệ được Mỹ chuyển giao.

Kiếm sĩ Su-24

{keywords}
Một chiếc Su-24 của Nga. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Đây là máy bay tấn công ném bom hiện đại của Liên Xô hồi những năm 1970-1980. Là sản phẩm của hãng chế tạo vũ khí Sukhoi, Su-24 được cải tiến nhiều lần và có các phiên bản nâng cấp khác nhau.

Được trang bị hệ thống tích hợp số dẫn đường/tấn công, Su-24 có thể thích nghi với nhiều loại thời tiết khác nhau. Su-24 được gắn dưới bụng một pháo đơn bắn nhanh GSh-6-23 với 500 viên đạn.

Với 8 điểm treo, máy bay này có thể mang 8 tấn vũ khí bao gồm các loại vũ khí hạt nhân khác nhau, 2 hoặc 4 tên lửa dẫn đường hồng ngoại R-60.

{keywords}
Su-24MR ở căn cứ quân sự Kubinka. (Ảnh: Wikipeadia)
 

Hoạt động nhờ động cơ kép, năng lực chủ yếu của Su-24 là ném bom ở tầm cực thấp.

Su-24 hiện vẫn có tên trong danh sách vũ khí của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, một số nước đã cho loại máy bay này nghỉ hưu vì chi phí hoạt động và bảo trì đắt đỏ.

Thanh Hảo