Sau vụ Ankara bắn máy bay Nga ngày 24/11, Moscow vẫn không tỏ dấu hiệu sẽ giảm bớt chiến dịch quân sự gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Trước khi xảy ra sự kiện này, Moscow đã phớt lờ lời kêu gọi của Ankara là hãy "chấm dứt ngay lập tức" các cuộc không kích nhằm vào nhóm quân nổi dậy Turkmen hoạt động dọc biên giới.

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: Reuters)

Căng thẳng song phương vọt lên cao điểm khi chiếc Su-24 của Nga bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trong lúc đang oanh tạc các đơn vị Liwa Jabal al-Turkman, nhóm thiểu số được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Nga khẳng định đang nã bom "quân khủng bố" trong khu vực.

Đáp trả vụ việc, Nga lập tức triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-400 tân tiến tới tỉnh ven biển Latakia của Syria và ra lệnh trang bị tên lửa không đối không cho tất cả các máy bay Su-24. Các chiến đấu cơ Nga tiếp tục nã bom xuống khu vực như một thông điệp ngầm khuyến cáo Ankara không lặp lại hành động ngày 24/11.

Nhưng người Nga cũng phải cân nhắc các lợi ích về địa chính trị và tài chính khi tiếp tục đáp trả một cách bất đối xứng như vậy, đặc biệt là khi không kích các nhóm quân nổi dậy mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Syria và không trực tiếp đối đầu quân sự với Ankara.

Dù trường hợp nào thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể xem việc Nga tăng cường quân sự dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria là một mối đe dọa nghiêm trọng và sẽ viện đến lá bài chủ giá trị nhất của nước này: Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Eo biển này gồm Dardanelles, Biển Marmara, và Bosporus - những luồng nước ở Thổ Nhĩ Kỳ kết nối Biển Aegea - và Địa Trung Hải - với Biển Đen.

{keywords}
Ảnh: Google Maps

Với quyền kiểm soát hoàn toàn Dardanelles và Bosporus theo Công ước Montreux 1936, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò như "người gác cổng", có thể điều chỉnh đường đi của các tàu hải quân thuộc về các quốc gia Biển Đen.

Hiện nay, Nga đang dựa vào quyền tiếp cận không hạn chế đối với Eo biển kể trên theo Công ước Montreux. Nhờ hải trình này, Moscow có thể gửi tiếp tế tới Syria, từ căn cứ hải quân Novorossiysk ở Biển Đen tới các cảng của Nga ở Tartus và Latakia.

Về mặt lịch sử, các tàu Nga được tiếp cận tự do với Địa Trung Hải nhờ Eo biển này. Tuy nhiên, theo Công ước Montreux, Thổ Nhĩ Kỳ có thể "cấm cửa" các tàu Nga theo hai điều kiện: Nếu nước này đang chiến tranh với Nga, hoặc nếu nước này tự thấy mình "bị đe dọa bởi nguy cơ sắp xảy ra chiến tranh".

Hãng tin Business Insider dẫn lời Aaron Stein, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và thành viên của Hội đồng Atlantic, cho rằng ít có khả năng Thổ sẽ đi xa tới mức đóng cửa Eo biển, ngay cả trong những lúc căng thẳng như hiện nay.

"Tôi nghĩ viễn cảnh đó sẽ chỉ xảy ra trong một tình huống kiểu Thế chiến II", ông Stein nhận định trong một email gửi cho Business Insider. "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ để mở Eo biển này theo Công ước và thực tiễn lịch sử của nó".

Nhưng trước sự hiện diện quân sự gia tăng của Moscow dọc biên giới phía nam nước này, Ankara có quyền hợp pháp cắt đứt một trong những tuyến kết nối quan trọng nhất của Nga với Syria, theo Điều khoản 21 của Công ước Montreux, nếu nước này cảm thấy bị đe dọa chiến tranh.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng thực hiện một số biện pháp để trả đũa.

Leonid Bershidsky, một nhà bình luận của hãng tin Bloomberg, viết ngày 1/12 rằng Thổ Nhĩ Kỳ "đang bắt các tàu hàng Nga phải chờ đợi nhiều giờ mới cho đi qua Bosporus".

Việc Nga tiếp tục nhắm tới làng mạc và các lữ đoàn quân nổi dậy người Turkmen dọc biên giới Thổ - Syria, bất chấp yêu cầu của Ankara đòi Moscow dừng lại, về lý thuyết đã đủ để Thổ Nhĩ Kỳ viện đến Điều khoản 21. Nga và các lực lượng được Nga ủng hộ ở Syria sẽ đối mặt với khó khăn vô cùng lớn nếu các tàu hải quân Nga bị phong tỏa, không thể đến được phía đông Địa Trung Hải và không thể tiếp tế cho binh lính của mình.

Theo Boris Zilberman, một chuyên gia Nga thuộc Quỹ vì Sự phòng thủ của Các nền Dân chủ, cách thức duy trì tiếp cận với Eo biển và với Syria, đồng thời tránh một cuộc xung đột quy mô lớn hơn với NATO chắc chắn được Nga tính đến trong quyết định trả đũa.

"Các lựa chọn của Putin rất hạn chế. Và đó là lý do ông đang hành động trong các giới hạn", Boris Zilberman nhận định.

Thanh Hảo