Sau một thời gian tương đối lắng dịu, Nga đã hứng chịu một làn sóng tấn công
khủng bố trong năm nay với một thế hệ những kẻ tấn công trẻ hơn áp dụng các
chiến lược mới nhưng vẫn nhằm vào các tòa nhà chính phủ.
Sự trỗi dậy của những kẻ khủng bố đã làm mờ hy vọng của chính phủ rằng họ đã
đánh bại khủng bố sau khi Ramzan Kadyrov, một chính trị gia được Moscow ủng hộ,
lên làm lãnh đạo cộng hòa Chechnya, một thành trì của khủng bố.
Kể từ đầu năm nay, Nga đã chứng kiến ít nhất 24 cuộc tấn công khủng bố lớn, với
22 trong số này nằm ở Bắc Caucasus. Gần như tất cả đều liên quan tới các tay
súng ở khu vực này. Do vây, đã đến lúc chính phủ Nga phải thay đổi cuộc chiến
chống khủng bố kiểu cũ vì bọn khủng bố đã thay đổi chiến thuật để lẩn trốn tốt
hơn.
Ngày 29/3, hai vụ nổ cách nhau khoảng 45 phút đã làm rung chuyển hai ga tàu điện
ngầm ở Moscow, cướp mạng sống của 37 người và làm bị thương 65 người khác. Hai
nữ sát thủ có biệt danh "góa phụ đen" đến từ Bắc Caucasus, đã gây ra thảm kịch
này để trả thù cho chồng họ hoặc thân nhân chết trong các chiến dịch an ninh của
chính phủ.
|
Một "góa phụ đen" 17 tuổi |
Trong năm 2010, Nga đã chứng kiến một thế hệ khủng bố trẻ chưa từng có kể từ năm
2005, theo Alexander Sharavin, giám đốc Học viện Phân tích quân sự và chính trị
Moscow. Ông cho rằng, sự yên tĩnh tương đối trong vài năm trước chẳng qua là
khoảng thời gian bọn khủng bố chuyển giao thế hệ.
"Gần như tất cả các tay súng ở độ tuổi 40 đều đã bị lấy mạng hoặc thay đổi theo
hướng trung thành với Kremlin. Giờ đây, các vụ tấn công được chuẩn bị và tiến
hành bởi thế hệ khủng bố thứ 2 ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn, chẳng hạn nhóm thủ
phạm thực hiện vụ tấn công ga tàu ngầm Moscow", ông Sharavin nhận xét.
Sau vụ tấn công kép đẫm máu đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố các nhà
chức trách liên bang "sẽ tiếp tục chống khủng bố đến cùng". Thủ tướng Vladimir
Putin cũng yêu cầu các lực lượng thi hành luật "lôi khủng bố ra khỏi những chiếc
ống rác rưởi".
Năm nay cũng là năm khủng bố tiến sang một giai đoạn mới, khi các tay súng thay
đổi chiến thuật của chúng, Andrei Soldatov, một chuyên gia hàng đầu về chống
khủng bố ở Nga, nhận xét.
"Các tay súng đã tập hợp lại, chia ra làm nhiều đơn vị nhỏ hơn, chỉ bao gồm 2-3
thành viên. Nhưng cho tới năm 2010, các quan chức liên bang tiếp tục truy lùng
tàn dư của "quân đoàn" nổi loạn ở các khu vực núi non rồi thông báo đã "giành
thắng lợi", ông Soldatov nói thêm.
Các chiến dịch của lực lượng an ninh, trên thực tế, chỉ thành công trong việc
truy giết những tên thủ lĩnh hết thời ở Bắc Caucasus mà vô tình bỏ sót hầu hết
bọn khủng bố bỏ rừng trở về "đời thường".
Vùng Bắc Caucasus của nga là "hang ổ khủng bố" lớn thứ 3 trên thế giới sau
Afghanistan và Iraq. Theo các chuyên gia Nga, nguồn gốc và địa điểm tấn công
khủng bố giờ đây đã thay đổi cơ bản. Trước khoảng thời gian yên tĩnh từ 2006 tới
2009, phần lớn các vụ tấn công xảy ra ở Chechnya và Ingushetia. Tuy nhiên, năm
2010, chỉ có một vụ xảy ra ở Chechnya và bốn ở Ingushetia vì bạo lực chống chính
phủ đã chuyển từ Chechnya sang Dagestan, một nước Cộng hòa bên bờ Caspian, nơi
đã chứng kiến 12 vụ tấn công kể từ đầu năm đến nay.
Alexander Sharavin cho rằng, sự chuyển đổi này
phản ánh sự thay đổi bản chất khủng bố ở Nga. "Cho tới gần đây, các nhà lãnh đạo
Nga vẫn tin rằng khủng bố được nhập khẩu vào đất nước họ, nhưng giờ những phần
tử li khai địa phương đang cố gắng tấn công lan tỏa từ Chechnya tới tâm của nước
Nga".
"Đối với mạng lưới khủng bố toàn cầu, Nga là một nơi để huấn luyện, bởi vì nước
này là nơi giao thoa của rất nhiều vấn đề về kinh tế, tôn giáo và lịch sử", ông
Sharavin nói thêm.
Đa số các vụ tấn công khủng bố vẫn nhằm vào các cơ quan nhà nước, hiếm khi chống
lại các mục tiêu phi chính phủ. Theo ông Sharavin thì Nga cần phải thay đổi
chiến lược loại trừ khủng bố.
"Ban đầu, các nhà chức trách không hiểu rằng khủng bố không phải là một vấn đề
riêng của các cấu trúc thi hành luật", ông nói và nhấn mạnh thêm rằng, cuộc
chiến chống khủng bố còn cần phải được thực hiện trên các mặt trận phát triển
kinh tế, tài chính và chống ma túy.
Sự trở lại của khủng bố năm nay cho thấy, cuộc chiến chống khủng bố của Nga còn
lâu mới có hồi kết và nhiệm vụ phía trước vẫn còn rất nặng nề. Giới phân tích
cho rằng, khủng bố không thể bị diệt trừ chừng nào tình hình kinh tế ở những khu
vực bất ổn chưa được cải thiện. Điều đó có nghĩa là những người dân thường vẫn
phải chờ trong nhiều năm nữa trước khi họ có thể đi lại trên những chiếc xe điện
ngầm mà không sợ mình trở thành nạn nhân của khủng óố.
Thanh Hảo (Theo THX)