Có vẻ như cáo buộc gia đình Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp rót tiền cho khủng bố bằng cách bằng cách bán dầu cho IS vẫn chưa đủ, Tổng thống Nga tiếp tục tố ban lãnh đạo ở Ankara đánh mất trí tuệ tập thể.

"Dường như Đấng Allah quyết định trừng phạt nhóm cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tước đi của họ sự minh mẫn", Putin bình luận trong bài phát biểu hàng năm trước Quốc hội Nga hôm 3/12.

Theo hãng tin Đức Deutsche Well, nhà lãnh đạo Nga nói như thể lập luận rằng đó là lý do duy nhất khiến Ankara bắn rơi chiến đấu cơ của một đối tác thương mại hàng đầu giữa lúc hai nước đang chiến đấu chống kẻ thù chung IS.

{keywords}

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) lắng nghe Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi hai người gặp nhau trong buổi khai mạc European Games 2015 ở Baku, Azerbaijan ngày 12/6. (Ảnh: AP)

Trong bài diễn văn, Putin tiếp tục tuyên bố Nga không muốn đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara nên nghĩ lại nếu lầm tưởng các đòn cấm vận của Moscow về thực phẩm và đầu tư đã là hồi kết của câu chuyện.

"Nếu mọi người nghĩ sau khi thực hiện một tội ác chiến tranh bất cần đạo lý, giết chết người của chúng tôi mà họ lại thoát được chỉ với một lệnh cấm cà chua và vài hạn chế về xây dựng, thì họ đã lầm. Chúng tôi sẽ ghi nhớ những gì họ đã làm. Và họ sẽ phải hối tiếc".

Putin khẳng định, ông không có vấn đề gì với người dân Thổ Nhĩ Kỳ mà chỉ với những người chóp bu "phản bội" Nga. Tuy vậy, những gì mà Nga đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang tác động đến rất nhiều người. Đặc biệt là khoảng 70.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc ở Moscow. Tính cả gia đình họ thì con số này vào khoảng 200.000 người.

Lệnh cấm nhập khẩu trái cây và rau củ cùng các sản phẩm thịt gà Thổ Nhĩ Kỳ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Việc hủy bỏ các chuyến đi nghỉ tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến nước này chịu thiệt hại.

Nhưng phía Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng 20% trái cây và rau củ tại nước này có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Alexei Ulyukayev đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khan hiếm các mặt hàng này.

Giao thương giữa hai nước cũng mang tính hai chiều. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 55% lượng khí đốt và 30% lượng dầu lửa từ Nga. Nếu nước này tìm một nguồn cung khác thì Nga sẽ mất một bạn hàng quan trọng. Về cán cân thương mại tổng thể năm 2014, các số liệu của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy xuất khẩu của nước này sang Nga đạt 5,9 tỷ USD trong khi nhập khẩu từ Nga đạt 25,2 tỷ USD.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đáp trả thì rõ ràng nền kinh tế vốn đang khó khăn của Nga cũng "lãnh đủ".

Hiện tại, người Nga đã phải mua thực phẩm với giá cao hơn. Nhiều người mất việc còn những người tiếp tục đi làm thì hưởng lương èo uột.

Theo một câu chuyện trên đài truyền hình Nga, ở nước này bắt đầu xuất hiện một loạt trang web trao đổi những vật dụng như sách vở, hàng hóa điện tử và quần áo để lấy thực phẩm. Một trang ở thành phố Omsk của Siberia thu hút 58.000 người tham gia.

{keywords}
Theo giới phân tích, hai ông Erdogan và Putin có nhiều tính cách tương đồng. (Ảnh: Property Turkey)

Một số chuyên gia nhận định, nguyên nhân sâu xa của mối bất hòa Nga - Thổ không chỉ là cái chết của viên phi công và người lính giải cứu, cũng không phải chuyện ai ủng hộ hoặc không ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Một số người cho rằng, mục đích của Nga là khiến Thổ Nhĩ Kỳ "mất mặt" với tư cách thành viên NATO và chứng tỏ nước này là một đồng minh không đáng tin đối với phương Tây. Số khác chỉ ra, Ankara đang cố mở rộng vai trò ở Trung Đông như một chủ thể then chốt và ngăn Nga ở ngoài rìa vì ủng hộ của Moscow dành cho người Kurd.

Người Kurd - vốn hiện diện ở nhiều khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria - đang muốn tái hợp sau khi quê hương của họ bị chia cắt hồi những năm 1920.

Đã có đối thoại về một hành lang Kurd ở Syria mà trong mắt Ankara thì giống như một sự tái thiết lập của người Kurd.

Viễn cảnh này có nguy cơ đe dọa chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và khiến một phần lãnh thổ nước này - vốn là mục tiêu của các hoạt động li khai ủng hộ người Kurd trong nhiều thập niên qua - bị tách ra cho người Kurd tái hợp. Đó là điều Thổ Nhĩ Kỳ không mong muốn.

Dù lý do là gì thì hiện nay, cả phía Ankara lẫn Moscow đều không có vẻ sẽ nhượng bộ nhau.

Nếu tình hình không thay đổi thì viễn cảnh có thể nhất là mối quan hệ song phương tiếp tục lạnh nhạt, nếu không muốn nói là băng giá. Tồi tệ hơn nữa sẽ là một sự đáp trả cấm vận lẫn nhau và không bên nào chiến thắng. Khi đó, chắc chắn một mặt trận thống nhất chống IS sẽ là điều quá xa vời.

Thanh Hảo