Bằng mọi cách, hàng nghìn người đang cật lực "hạ hỏa" các lò phản ứng hạt
nhân ở Fukushima và công việc của họ được xem là kitanai, kitsui và kiken, tức
là dơ bẩn, khó khăn và nguy hiểm.
TIN LIÊN QUAN:
Phát hiện thỏ không tai gần nhà máy Fukushima
Nhật đã không chuẩn bị cho thảm họa Fukushima
Kazuko Sasaki, trái, và Masaaki Takahashi nằm trong số những "bô lão" tự nguyện muốn tới làm việc tại nhà máy hạt nhân Fukushima. (Ảnh: NY Times)
Dường như trái logic, Yasuteru Yamada, 72 tuổi,
lại rất nóng lòng muốn có cơ hội tham gia. Sau khi chứng kiến trên tivi hàng
nghìn người trẻ hơn đang chật vật xử lý khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân
Daiichi, Yamada nảy ra một ý: Tuyển mộ các kỹ sư già và các chuyên gia khác tham
gia chế ngự các lò phản ứng.
Không chỉ vì người già có các kỹ năng cần thiết mà bởi vì tuổi họ cao hơn nên ít
có nguy cơ bị ung thư và các căn bệnh khác do nhiễm xạ. Và sự tham gia tình
nguyện của họ sẽ giúp cho thanh niên tránh được những nguy hiểm mà có thể sẽ
khiến họ vô sinh, thậm chí tồi tệ hơn.
"Chúng tôi phải kiểm soát được sự cố, và để làm được điều này, ai đó phải ra
tay", cụ Yamada, một kỹ sư từng làm việc cho Tập đoàn Thép Sumitomo, nói. "Sẽ có
lợi cho xã hội nếu thế hệ già hơn đảm nhận công việc bởi vì chúng tôi ít bị nguy
hiểm hơn khi làm việc ở đó".
Nhiều tuần sau trận động đất và sóng thần hủy
diệt, Yamada và Nobuhiro Shiotani, một người bạn từ thời nhỏ và cũng là một kỹ
sư đã thành lập nên Tập đoàn Những người kỳ cựu hồi đầu tháng 4. Họ gửi đi hàng
nghìn lá thư, email để huy động thành viên, thậm chí còn lập cả một tài khoản
Twitter.
Trên blog của mình, bouhatsusoshi.jp/english, cụ Yamada kêu gọi những người trên
60 tuổi có "sức khỏe và kinh nghiệm để chịu gánh nặng công việc tuyến đầu này".
Lời kêu gọi đó được hồi đáp ngay lập tức. Khoảng 400 người tự nguyện tham gia,
trong đó có một ca sĩ, một đầu bếp và một lão đã 82 tuổi. Khoảng 1.200 người
khác xin hỗ trợ trong khi số tiền quyên góp được lên tới 4,3 triệu Yên (54.000
USD).
Mặc dù blog của Yamada - một người qua khỏi bệnh ung thư - bắt đầu bằng một mục
tiêu đơn giản, ông đã khơi dậy một cuộc thảo luận rộng khắp trên cả nước về vai
trò của người già ở Nhật, ý nghĩa của lòng tự nguyện và hiện thực ngày càng rõ
nét rằng Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), hãng vận hành các lò phản ứng Daiichi,
sẽ phải đối mặt với khó khăn tuyển mộ công nhân.
Một số chuyên gia cho rằng, Nhật Bản rút cục sẽ
phải nhập khẩu lao động để làm công việc dọn dẹp. Hơn 3.000 công nhân hiện đang
tập trung tại Daiichi. Đến nay, một số người đã bị đột quỵ nóng và 9 người nhiễm
xạ quá giới hạn cho phép.
Yamada và nhóm của ông được gọi là những người yêu nước vô hạn, sẵn sàng dấn
thân vào nguy hiểm. Một số khác cho rằng họ là những người về hưu có quá nhiều
thời giờ nhàn rỗi. Những mô tả đó không nhắc đến một điểm, theo ông Shiotani,
người có một ý tưởng thực tế hơn trong đầu.
"Các nhà máy điện hạt nhân là sản phẩm của các nhà khoa học và kỹ sư", ông nói.
"Họ tạo ra mớ lộn xộn này thì họ phải sửa chữa".
Trong bối cảnh đó, muốn giúp đỡ và được phép giúp đỡ là hai điều khác biệt. Một
số nhà lập pháp, ban đầu, coi nhẹ những người tình nguyện, trong đó có Goshi
Hosono, một trợ tá của Thủ tướng Naoto Kan. Ông này nói với các phóng viên rằng
công việc ở Fukushima vẫn chưa cần tới "quân đoàn cảm tử".
"Thật quý báu khi họ hy sinh cuộc sống của mình và tình nguyện giải quyết sự cố
này", ông Hosono giải thích. Nhưng "họ đã già rồi, vì vậy chúng tôi không muốn
họ bị ốm yếu sau khi làm việc trong một môi trường nguy hiểm như vậy với các mặt
nạ phòng độc".
Tuy nhiên, Tập đoàn Những người kỳ cựu đã chiếm được tình cảm của nhiều người.
Họ cũng nhận được nhiều lời mời phỏng vấn từ khắp nơi trên thế giới. Các chính
trị gia dần quan tâm. Hôm 6/6, Yamada gặp Banri Kaieda, Bộ trưởng Kinh tế,
Thương mại và Công nghiệp và ông này cam kết sẽ giúp những tình nguyện viên
trước khi "lòng nhiệt tình của họ tan biến".
"Tôi nghĩ, thật là một ý tưởng can đảm vì có nhiều người Nhật và người nước
ngoài sợ đến Fukushima", Hiroe Makiyama, một thành viên quốc hội trong Đảng Dân
chủ Nhật Bản của Thủ tướng Kan, nhận xét. "Không ai muốn chết ở đó. Họ thực sự
không muốn làm điều này, nhưng họ cảm thấy phải làm".
Yamada bận rộn tới mức ông chỉ tìm được một văn phòng nhỏ trong một tòa nhà
không thang máy ở khu Shimashi, Tokyo. Trong căn phòng chật chội có 2 máy tính,
một bình nước nóng và vài ghế gấp, Yamada và nhóm của ông đang đăng ký trở thành
một nhóm phi lợi nhuận và đợi giấy phép thăm nhà máy Daiichi vào tháng 7.
Yamada cho biết ông không hy vọng sẽ được làm việc ở Daiichi trước mùa thu, bởi
vì hơi nóng và độ ẩm của mùa hè. Từng là một kỹ sư, ông nói rằng không ai, kể cả
những lao động già hơn, muốn làm bất kể điều gì một cách vội vàng.
"Chúng tôi không làm những điều vô nghĩa và hấp tấp. Chúng tôi sẽ không làm gì
không mang lại kết quả", ông khẳng định.
Thanh Hảo (Theo NY Times)