Không ít người khen Putin là nhà chiến lược tài ba, nhưng cũng không thiếu người chỉ trích ông về những quyết định trong hai năm qua.
Những người ủng hộ Putin đã ca ngợi ông là một nhà chiến lược tài ba. Họ lập luận rằng, sự can thiệp của ông vào Ukraina và Syria đã khiến các cường quốc phương Tây bất ngờ và chứng tỏ cho thế giới thấy ông là một chủ thể quan trọng trên trường quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Putin) |
Putin cũng rất quyết tâm trong việc xây dựng sức mạnh quân sự. Vì vậy thế giới nói chung và Mỹ nói riêng nhận ra rằng Nga thực sự là một cường quốc lớn, một đối tác bình đẳng với các lợi ích phải được tính đến.
Putin còn muốn phương Tây công nhận quyền của Nga trong việc đối xử với các nước láng giềng hậu Liên Xô như một phần trong tầm ảnh hưởng của Nga, không bị chi phối bởi bất kỳ liên minh phương Tây nào. Ông cũng tái định hướng nền kinh tế Nga để tăng cường sức mạnh, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và giá khí đốt.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhận Putin là một nhà chiến lược giỏi. Phe chỉ trích lập luận, những lần ông thay đổi chính sách có thể khiến thế giới ngạc nhiên nhưng chỉ là kết quả của kiểu tư duy trước mắt chứ không phải các hoạch định dài hạn.
Phe này cho rằng, nhiều hành động là sự bùng nổ giận dữ của Putin, điển hình là quyết định sáp nhập bán đảo Crưm và cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Mùa hè vừa qua, khi tiếng súng im ắng ở đông Ukraina thì đến lúc Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria để tiêu diệt những kẻ khủng bố.
Với phe lên án Putin, những động thái kể trên chỉ thỏa mãn các mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn như buộc thế giới bên ngoài phải chú ý tới Nga và tăng uy tín của ông ở trong nước. Còn về lâu về dài, họ cho rằng chúng mang lại nhiều rủi ro.
Họ chỉ ra rằng, cấm vận của phương Tây nhằm vào Nga vẫn không thay đổi. Ukraina, các nước Baltic và một số quốc gia khác từng chịu ảnh hưởng của Nga giờ đây xoay lưng lại với nước này. Montenegro muốn gia nhập NATO.
Còn Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bắn hạ chiến đấu cơ Nga, đã chuyển từ một đối tác có giá trị sang kẻ thù gai góc.
Và ở trong nước sự kết hợp của cấm vận, chống cấm vận, tình trạng thoái vốn và giá dầu lao dốc đang khiến cho đồng rúp giảm giá mạnh, đẩy nước Nga vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Vậy Putin sẽ làm gì trong năm 2016?
Ukraina và Syria yếu ớt
Chắc chắn, Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ đẩy mạnh các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraina, thông qua tiến trình Minsk và ở Syria thông qua những gì mà Moscow miêu tả là tiến trình Vienna. Nhưng các dấu hiệu không mấy tốt đẹp.
Ở Ukraina, lệnh ngừng bắn rất mong manh. Tiếng súng lại nổ dọc tuyến đầu trong vài tuần trở lại đây. Moscow cho biết sẽ không đáp ứng điều kiện chính của thỏa thuận Minsk - phục hồi quyền kiểm soát biên giới cho phía Ukraina, cho đến khi nào vị thế và quyền tự trị của vùng Donbas được bảo đảm. Nhưng điều kiện này là khó có thể được thực thi.
Các lệnh cấm vận phương Tây đã được gia hạn tới tận tháng 7. Hiện trạng khó khăn có thể sẽ tiếp tục trong năm tới, đẩy miền đông Ukraina vào một cuộc xung đột đóng băng.
Với Syria, tháng 1 được cho là sẽ chứng kiến sự bắt đầu của tiến tình hòa bình thứ 3 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Đến lúc này, hai vòng đầu của hòa đàm đã sa lầy. Trong bối cảnh các nhóm đối lập Syria tiếp tục than phiền họ đang bị trúng bom đạn Nga, hiện vẫn chưa rõ có cách nào họ được đưa tới bàn đàm phán.
Kinh tế khó khăn
Nhưng trọng tâm chính của Nga năm 2016 có thể được đặt ở trong nước. Viễn cảnh kinh tế nước này rất u ám.
Tổng thống Putin tuyên bố, đỉnh điểm của khủng hoảng đã qua. Ông chỉ ra rằng mùa màng bội thu và sản lượng bơ sữa đạt kỷ lục chứng tỏ Nga đang hưởng lợi từ việc "thay thế nhập khẩu" và tăng cường đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, một số thành phần khác của kinh tế khá mờ nhạt. Giá dầu thô giảm 2/3 kể từ năm 2014 khiến đồng rúp mất giá mạnh.
Ngân sách năm tới dựa vào giả định giá dầu ở mức 50 USD/thùng. Nhưng đây có thể là sự kỳ vọng quá mức. Nếu giá dầu tiếp tục thấp thì sẽ có những khoản cắt giảm lớn về ngân sách, tác động tiêu cực đến chính những người ủng hộ Putin.
Chính phủ Nga sẽ làm hết sức để giảm thiểu khó khăn, đặc biệt là với các cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra trong tháng 9 - sự kiện luôn được coi là phép thử về sự ủng hộ dành cho chính phủ.
Với sự lao dốc của kinh tế trong nước và hiểm họa các cuộc tấn công thánh chiến của những kẻ cực đoan, ông Putin có thể sẽ cảm thấy áp lực. Sẽ là một bài toán khó để nhà lãnh đạo Nga có thể chấm dứt được tranh cãi với phương Tây, khiến cấm vận được dỡ bỏ và tìm ra cách kết thúc chiến tranh ở Syria.
Thanh Hảo