Trung Quốc đã khởi động quá trình tái cơ cấu quân đội tham vọng nhất của nước này trong vòng 6 thập niên, gồm cả thành lập một bộ máy lãnh đạo riêng cho lực lượng trên bộ thuộc Quân đội giải phóng nhân dân (PLA).

StraitTimes đưa tin, các nhà quan sát nhận định, việc thành lập một đơn vị chỉ huy chung mới cho toàn bộ lực lượng tác chiến trên bộ đánh dấu một bước chuyển từ cơ cấu lấy lục quân làm trung tâm như hiện thời sang chỉ huy chung kiểu phương Tây, trong đó, lục quân, hải quân và không quân đều có đại diện như nhau. Trước đó, văn phòng Bộ Tham mưu của PLA lãnh đạo toàn bộ lực lượng tác chiến trên bộ.

{keywords}
Ảnh Reuters

Trung Quốc cũng thiết lập "lực lượng hỗ trợ chiến lược", với nhiệm vụ được giao là đẩy mạnh năng lực của quân đội trong chiến tranh điện tử và trên mạng. "Lực lượng tên lửa" sẽ thay thế quân đoàn pháo binh số 2 (SAC) trong nhiệm vụ kiểm soát kho hạt nhân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao cờ quân đội cho các chỉ huy của những đơn vị mới tại một buổi lễ diễn ra hôm 31/12/2015 tại trụ sở chính của PLA tại Bắc Kinh dù các thay đổi mãi tới ngày 2/1 mới được Tân hoa xã thông báo.

Trong một bài phát biểu, ông Tập Cận Bình tuyên bố, việc tái cơ cấu quân đội là một phần của quyết định lớn mà đảng Cộng sản và Quân ủy trung ương Trung Quốc đưa ra nhằm "hiện thực hóa ước mơ một quân đội mạnh của Trung Quốc". "Đây là một bước tiến chiến lược nhằm thành lập một hệ thống quân đội hiện đại mang bản sắc Trung Quốc", ông Tập tuyên bố.

Một số cải tổ then chốt khác cũng được áp dụng, bao gồm quy vùng lại 7 quân khu thành 5 quân khu chiến lược, thiết lập bộ máy chỉ huy tác chiến chung, giảm 300.000 quân nhân trong tổng số 2,3 triệu quân nhân của PLA.

Trung Quốc mô tả những thay đổi trên như một phần của việc hiện đại hóa quân sự. Tuy nhiên, động thái này có thể làm dấy lên lo ngại khi Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và hiện đang trong thế ganh đua chiến lược với Nhật và Mỹ.

  • Hoài Linh