Khi Nokia suy yếu, cả đất nước Phần Lan cảm nhận rõ nét được nỗi đau mà doanh nghiệp này tạo ra.

Vào đầu những năm 90, Tập đoàn Nokia trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, góp công đưa Phần Lan thoát khỏi thời kỳ đen tối Chiến tranh lạnh và biến nước này trở thành trung tâm công nghệ châu Âu, đồng thời giúp tăng gấp 3 quy mô kinh tế trong giai đoạn 1993-2008.

Giờ đây, đất nước Bắc Âu này cảm được nỗi đau của Nokia. Tuần trước, công ty tuyên bố quý này có thể không có lãi trong lĩnh vực chủ chốt – điện thoại di động. Đây chỉ là một trong hàng loạt những thông báo ảm đạm được đưa ra. Nokia ngày một suy yếu trên thị trường smartphone.

Năm 2007, dường như Nokia đang ngủ quên khi Apple tung ra điện thoại thông minh iPhone. Kể từ đó, công ty của Phần Lan này mất tới 75% giá trị thị trường khi không thể cạnh tranh với Apple, và có nguy cơ mất thêm khi giờ đây Google cũng tung ra sản phẩm  Android.


Vấn đề đối với Phần Lan là Nokia gần như chi phối mọi khía cạnh của nền kinh tế nước này. Cho đến nay, Nokia vẫn là công ty quan trọng nhất ở Phần Lan, chiếm 14% tổng lượng xuất khẩu, đóng góp 1,6% GDP vào năm 2009.

Doanh nhân Risto Siilasmaa từng nhận xét: “Ở Phần Lan, Nokia là công ty ngoại cỡ, giống như một con vịt to trong một cái ao nhỏ. Và điều đó luôn như con dao hai lưỡi”.

Nỗi đau của Nokia được cảm nhận sâu sắc ở Phần Lan: xuất khẩu dịch vụ giảm 7% vào năm ngoái. Năm 2009, doanh thu thuế từ Nokia giảm xuống chỉ còn 100 triệu EUR, chưa bằng 1/10 năm 2007.

Các thành phố khắp Phần Lan đã buộc phải điều chỉnh. Tại Salo, cách đại bản doanh của Nokia khoảng gần 100km, quan chức ở đây cho biết đã buộc phải cắt giảm dịch vụ chăm sóc y tế và các chương trình vui chơi giải trí.

Để giảm nhẹ nỗi đau do Nokia – có 20.000 nhân công năm 2010 - gây ra, chính phủ Phần Lan khuyến khích thành lập các doanh nghiệp công nghệ mới khác, một số tập trung xung quanh hệ thống Android của Google. Tuy nhiên, thiếu vốn đầu tư và văn hóa không muốn chấp nhận mạo hiểm của người Phần Lan đã cản trở nỗ lực trên.

Nokia được thành lập năm 1865, tiền thân là một nhà máy giấy, sau nhiều thập kỷ đã mở rộng sang cả lĩnh vực cao su, dây điện và điện thoại di động.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô – đối tác thương mại quan trọng của Phần Lan – sụp đổ năm 1991, Phần Lan bị rơi vào suy thoái. Một năm sau, Chủ tịch Nokia Jorma Ollila quyết định chuyển tập trung vào viễn thông. Bước chuyển chiến lược đó đã đưa Nokia chiếm thế độc tôn trên thị trường điện thoại di động, góp phần cải thiện kinh tế cho đất nước. Dù vậy, người dân Phần Lan vẫn đi giầy do nhánh cao su của công ty sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều người Phần Lan nhận xét, từ quá lâu rồi, đất nước cưỡi trên lưng duy nhất một công ty công nghệ, mà không thể tận dụng sức nóng của nó để tạo một bệ phóng xây dựng nên một nền kinh tế công nghệ sâu rộng hơn và đa dạng hơn. Dù Nokia chi hàng tỷ EUR hàng năm cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Phần Lan, nhưng các doanh nghiệp nước này chủ yếu vẫn chỉ làm ăn với Nokia thay vì khai phá những thị trường mới.

Dù một số công ty có bạn hàng khác nhưng làm ăn với đối thủ của Nokia ở Phần Lan cho đến nay vẫn là chuyện hiếm. Và nhiều người còn lo ngại, một khi phục hồi, Nokia sẽ chuyển tập trung sang Bắc Mỹ vì làm trong nước quá tốn kém. Điều đó sẽ dẫn tới tình trạng sa thải hàng nghìn việc làm.

Chính phủ Phần Lan đang cố hỗ trợ một số doanh nghiệp công nghệ mới để bù lấp khoảng trống mà Nokia để lại. Nhưng nỗ lực đó gặp phải rào cản lớn có tên nguồn vốn. Và cuộc chơi giống như những chú chim tức giận lao mình qua những rào cản do những con lợn – những kẻ ăn cắp trứng của các chú chim – dựng lên.

Hồng Hà (Theo WSJ)