- Nhật Bản, Trung Quốc tranh chấp về chủ quyền trên biển Hoa Đông; Philippines tuyên bố mua thêm vũ khí hạng nặng để bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông; Thủ tướng Thái Lan từ chức Chủ tịch đảng Dân chủ... là những tin nóng trong ngày qua.

Thời sự trong ngày


Tố cáo lẫn nhau

Ngày 4/7, Trung Quốc đã phản đối Nhật Bản về việc các tàu cá nước này hoạt động ở vùng biển phía ngoài quần đảo tranh chấp Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối chính thức cho phía Nhật Bản về việc các tàu cá của họ hoạt động tại khu vực biển này.

Biển Hoa Đông là một trong những vùng biển của châu Á đang tồn tại nhiều tranh chấp.

Trước đó, sớm ngày 3/7, lực lượng bảo vệ trên biển của Nhật đã phát hiện tàu Ngư chính 201 của Trung Quốc tại vùng biển cách Senkaku 31 km. Đây là lần đầu tiên kể từ trận động đất hồi tháng 3, Nhật phát hiện tàu Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp.

Phía Nhật đã yêu cầu tàu Ngư chính 201 rời khỏi khu vực, nhưng tàu Trung Quốc đáp lại rằng đây là vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc. Đến 10 giờ sáng cùng ngày, tàu Trung Quốc mới rời vùng biển này.

Trong khi đó, theo phía Trung Quốc dẫn nguồn tin truyền thông Nhật Bản, khoảng 10 tàu đánh cá thuộc nghiệp đoàn đánh cá Yaeyama ở thành phố Ishigaki (Okinawa) đã rời cảng Ishigaki đi đánh bắt cá tại vùng biển quanh quần đảo Senkaku.

Nghiệp đoàn cho biết sẽ đánh bắt cá ở vùng biển này và gửi hình ảnh đi khắp thế giới để chứng minh đó là vùng lãnh hải Nhật Bản. Nghiệp đoàn cho rằng, tàu Ngư chính Trung Quốc xuất hiện ở khu vực này nhằm kiềm chế hoạt động đó của họ.

Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm ngoại trưởng hai nước đang thảo luận tại Bắc Kinh về các vấn đề an ninh khu vực và mong muốn cải thiện quan hệ song phương vốn đã xấu đi kể từ sau vụ va chạm tàu trên biển Hoa Đông hồi tháng 9 năm ngoái.

Vũ khí hạng nặng

Đường lưỡi bò vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Hôm 4/7, Philippines cho biết sẽ yêu cầu Mỹ bán cho họ các máy bay tuần tra tầm xa và quân cụ hạng nặng hiện đại khác nhằm giúp bảo vệ tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết, nước này muốn mua các thiết bị mới để đối phó với những căng thẳng gần đây với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Từ chức chủ tịch đảng

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva.

Ngày 4/7, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tuyên bố ông đã quyết định từ chức Chủ tịch đảng Dân chủ, một ngày sau khi đảng của ông thất bại trước đảng Puea Thai do bà Yingluck Shinawatra lãnh đạo trong cuộc tổng tuyển cử hôm 3/7.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon tuyên bố, quân đội chấp nhận chiến thắng của đảng Puea Thai trong cuộc tổng tuyển cử. Đây được coi là động thái giúp làm lắng dịu nguy cơ về một cuộc đảo chính mới.

Nhượng bộ của phe nổi dậy

Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

Trong một động thái đầy bất ngờ, hôm 4/7, người đứng đầu phe nổi dậy ở Libya, Mustafa Abdel Jalil, đã tuyên bố ông Gaddafi vẫn có thể sống tại đất nước mình, ngay cả khi chính quyền của ông sụp đổ.

Đây được coi là phản ứng mang tính chất nhượng bộ rõ ràng nhất của lực lượng nổi dậy từ khi nội chiến nổ ra tại Libya. Trước đó, phe đối lập từng kiên quyết yêu cầu ông Gaddafi từ chức và rời khỏi đất nước.

Phát ngôn ấn tượng

Bảo cha tôi rời bỏ đất nước ư, đấy là một trò đùa. Ông ấy không bao giờ đầu hàng mà sẽ chiến đấu đến cùng. Đây là đất nước của chúng tôi. Phương Tây sẽ không thể giành được chiến thắng”, con trai ông Gaddafi, Saif al-Islam, cho biết trên kênh truyền hình Pháp TF1.

Trước đấy, trong một thông điệp phát đi hôm 29/6 tuần trước, ông Gaddafi cũng tuyên bố sẵn sàng tấn công châu Âu, nếu như NATO không dừng việc không kích vào các căn cứ của chính quyền Libya.

Ảnh ấn tượng

Một chiếc xe tải bị mắc kẹt giữa vùng lũ ở Jalapa (Veracruz, Mexico). Arlene, cơn bão nhiệt đới đầu tiên trong mùa mưa bão ở Atlantic, đã mang theo mưa lớn và lũ lụt tới khu vực này. (Ảnh chụp hôm 3/7: THX)

Ngày này năm xưa

Ngày 5/7/1939, đạo Hòa Hảo chính thức ra đời. Tên gọi của tôn giáo này bắt nguồn từ địa danh làng Hòa Hảo, Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang) là quê của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.

Ngày 5/7/1994, tại Singapore, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) đã kết nạp Việt Nam làm thành viên. PECC là tổ chức gồm nhiều nước thành viên, chẳng hạn như: Australia, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Singapore, Thái Lan, Mỹ...

Thanh Vân (Tổng hợp)