Ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2016 sẽ cắt giảm 5%, hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Tatiana Shevtsova cho biết.
Theo hãng thông tấn Reuters, việc chi tiêu quốc phòng của Nga được mở rộng trong thời gian qua là một phần kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin nhằm khôi phục sức mạnh quân sự của nước này.
Cơ quan Thống kê Nga hôm 25/1 cho biết, GDP nước này giảm 3,7% trong năm 2015, sau khi giảm 0,6% trong năm 2014. Trước đó, các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát ý kiến dự báo kinh tế Nga trong năm 2015 suy giảm ở mức 3,8%.
Theo chuyên gia chiến lược Vladimir Miklashevsky thuộc ngân hàng Danske Bank của Phần Lan, “kinh tế Nga đang trải qua những điều chỉnh lớn. Nền kinh tế này vẫn đang phụ thuộc nhiều vào dầu lửa”.
Ông này cho rằng, “đồng rúp yếu và chiến lược thay thế hàng nhập khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sản xuất trong nước, nhưng sẽ không giúp ích được nhiều. Nga sẽ phải trải qua một chặng đường dài và khó khăn để đi đến sự phục hồi tăng trưởng”.
Hãng tin Anh nhận định, mức cắt giảm ngân sách lần này, nếu được Tổng thống Nga chấp thuận, sẽ là mức giảm chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ khi ông Putin nắm quyền vào năm 2000.
Hồi năm 2011, khi đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Nga, ông Putin đã công bố kế hoạch mang lại sức sống mới cho quân đội Nga và các trang thiết bị đang trở nên già cỗi của quân đội, bằng cách chi 23 nghìn tỷ rúp cho tới năm 2020.
Trước đó, vào hôm 5/3, Trung Quốc cũng gây bất ngờ lớn khi cho biết sẽ tăng ngân sách quốc phòng ở mức 7,6% trong năm nay, mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua.
Theo đó, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cho năm 2016 là 954,35 tỷ Nhân dân tệ (146, 67 tỷ USD), tăng 7,6% so với năm ngoái. Năm 2015, chi tiêu quân sự của nước này tăng 10,1% lên 886,9 tỷ nhân dân tệ.
Đây là lần đầu tiên ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 1 con số kể từ năm 2010, sau mức tăng 2 con số trong gần hai chục năm liên tiếp. Ngân sách quốc phòng trên được công bố trong ngày khai mạc kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng việc ngân sách quân sự tăng chậm lại là thích hợp; đồng thời khẳng định giấc mơ của người dân Trung Quốc về một đất nước và quân đội hùng mạnh sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo Washington Post dẫn lời ông Ni Lexiong, giáo sư khoa học chính trị Đại học Thượng Hải, điều này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hoà bình. Tuy nhiên, lý do thứ hai lại chính là tình hình kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ đạt mức 6,9% trong năm 2015, thấp nhất trong 25 năm qua. Các nhà kinh tế cũng như giới chức không còn lạc quan về năm 2016 và dự đoán rằng, mức tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại, chỉ khoảng 6,5% trong năm 2016.
Ông Jin Canrong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cũng nói với New York Times rằng, mức tăng thấp này là hệ quả của các lo ngại bất ổn xã hội đang gia tăng trong nước. Theo ông, Bắc Kinh phải giữ lời hứa tăng ngân sách cho các chương trình phúc lợi xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Theo chuyên gia Bonji Obara thuộc Viện nghiên cứu Tokyo Foundation, “một lý do đơn giản cho mức tăng thấp hơn là mức hai con số hiện khó có thể đáp ứng. Một lý do khác là chiến dịch chống tham nhũng đã giúp thất thoát ít hơn và chi tiêu trở nên hiệu quả hơn”.
“Bằng cách cắt giảm mức chi tiêu quân sự cho phù hợp với tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc có thể tránh được sự chỉ trích từ trong nước và nước ngoài”, Obara nhận định thêm. "Mức chi trên là đủ để Trung Quốc đạt mục tiêu thành nước hiện diện toàn cầu”.
Cũng trên tờ New York Times, quan chức quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu Xu Guangyu cho biết, “toàn bộ nền kinh tế đang chạy chậm lại, nhịp độ tăng trưởng GDP đã chậm hơn trước, và chi tiêu quân sự, ngân sách quốc phòng, nên đi cùng với nhịp độ GDP”.
Dennis J. Blasko, một Trung tá nghỉ hưu của quân đội Mỹ đồng thời là tác giả cuốn “Quân đội Trung Quốc ngày nay”, cho biết chi tiêu quân sự của Trung Quốc thường dựa theo mức tăng trưởng GDP và lạm phát, và mức tăng một con số năm nay dựa theo đúng công thức này.
Thanh Vân