Ở Trung Quốc, giàu có đi đôi với mất bạn. Khi kinh tế Trung Quốc mở cửa, của cải dồn về tay thế hệ siêu
giàu mới. Với lớp chủ sở hữu mới này, tiền bạc có nghĩa là nhiều quyền lực và
ảnh hưởng hơn nhưng nó cũng gây ra sự bất bình.
Người Trung Quốc có thể bị mê
hoặc bởi những kẻ rất giàu nhưng họ không bao giờ thích những đối tượng đó.
Tin bài khác:
Các nhân vật máu mặt dính bê bối gái gọi
Những trường hợp "chết đi sống lại" khó tin
Người này phàn nàn về sự giàu có của người khác diễn ra ở khắp nơi. Đầu tháng 5, có thông tin cáo buộc rằng công ty điều hành cung điện đang lặng lẽ biến một trong những ngôi nhà trong Tử Cấm Thành thành câu lạc bộ tư của các tỷ phú. Thông tin trên như một quả bom nổ giữa cộng đồng mạng Trung Quốc, vốn phản ứng với những bê bối tham nhũng.
Những lái xe trẻ trung, giàu có, vốn coi mình là ở trên luật là một mục tiêu ưa thích khác. Năm 2010, con trai một cảnh sát trưởng địa phương ở thành phố Baoding đã đâm và giết chết một nữ sinh viên tại khuôn viên trường đại học Hebei. Điều gây ra bê bối không phải nằm ở bản thân vụ tai nạn mà là thái độ ngạo mạn của tay lái xe trẻ. Khi cảnh sát cố bắt tên này, anh ta khóc và đòi được đối xử đặc biệt, rồi hét lên: "Bố tôi là Li Gang". Với người dùng Internet ở Trung Quốc, cụm từ giờ đã trở nên nổi tiếng này đã là biểu tượng của việc không bị trừng phạt.
Năm 2011, công chúng lại xôn xao với câu chuyện liên quan tới một thanh niên và một chiếc ô tô. Sau khi đâm vào một người phụ nữ, Yao Jiaxin, một sinh viên, đã cố tình đâm nạn nhân vài lần tới khi chết hẳn. Những người quan sát đã mau chóng mô tả thảm kịch này là dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc bị tiền ám đang mất đi phẩm hạnh. Yao Jiaxin giải thích cho hành động của mình rằng anh ta nghĩ nếu còn sống, người phụ nữ đó sẽ tìm cách moi tiền của anh ta. Yao Jiaxin bị kết án tử hình và đã bị xử tử vào tháng 6 vừa qua.
Tại Trung Quốc, họ gọi đó là "chou fu" - sự căm ghét với người giàu có. Các dấu hiệu của nó có ở khắp nơi. Theo một số nhà phân tích, đó là kết quả của một quá trình dần dần, dài 30 năm của việc mở cửa kinh tế và để cho của cải dồn về tay một số cá nhân. Trước đây, luật thừa kế ở Trung Quốc ngăn không cho chuyển của cải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, hiện giờ, điều đó đã thay đổi.
"Khi một thanh niên trẻ khinh suất lái xe BMW, anh ta được coi là thành viên của "thế hệ giàu có thứ 2". Nếu anh ta bị bắt, sự phẫn nộ mà mọi người cảm thấy sẽ tăng gấp 10 lần", Yang Yiyin thuộc Học viện khoa học xã hội Bắc Kinh (CASS) nói. Theo Yiyin, người Trung Quốc không phản đối sự giàu có. "Họ đều muốn giàu có. Đặc biệt là khi phần lớn những người trở nên giàu có trong vòng 30 năm qua đều xuất phát từ nghèo khó".
Guo Yuhua, một nhà xã hội học tại trường đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh nói: "Mọi người không ghét sự giàu có. Họ ghét sự thật rằng quyền lực là không hạn chế. Những người có quyền làm điều họ muốn. Họ có thể ra ân để đổi lấy một căn hộ, một chiếc xe và thậm chí là vị trí"
Do bóng bóng đầu cơ tích trữ hiện nay, cuộc đua mua bất động sản đã chia dân Trung Quốc ra làm hai: sở hữu và phi sở hữu. Sự tư nhân hóa các bất động sản ở đô thị trong vòng 20 năm qua ở Trung Quốc đã giúp tầng lớp trung lưu ở thành phố làm giàu. Tuy nhiên, họ không giúp gì cho tầng lớp nghèo ở nông thôn, vốn sống dựa vào đất công.
Với tầng lớp giàu có ngày càng tăng, sự oán giận từ những người khác có thể góp phần làm tăng tỷ lệ di cư. Một cuộc khảo sát gần đây của công ty tư vấn quản lý Bain & Company cho thấy, 60% cá nhân có ít nhất 1,5 triệu USD để đầu tư đã chuyển sang nước nước ngoài sinh sống hoặc đang cân nhắc làm như vậy. Trong số những người siêu giàu, đối tượng có hơn 15,4 triệu USD, thì có gần 1/4 đã quyết định thay đổi quốc tịch.
Cho tới giờ, sự liên hệ giữa những tầng lớp xã hội vẫn tồn tại: tại các thành phố lớn, nhiều cựu công nhân di cư hiện là doanh nhân điều hành một công ty nhỏ. Theo nhà nghiên cứu Gilles Guiheux và Pierre-Paul Zalio tại Trung tâm Pháp về nghiên cứu đương đại Trung Quốc, giới trẻ rời thành phố để làm việc trong ngành dịch vụ như những "người di cư cổ trắng". Họ làm việc trong điều kiện không mấy lý tưởng song lại được trả lương hậu hĩnh.
Liệu có phải giấc mơ Trung Quốc trở nên xấu đi? Theo ý kiến của ông Guo Yuhua, cụm từ "thế hệ giàu có thứ 2, thế hệ quản lý thứ 2, thế hệ di cư thứ 2...đều phản ánh những cơ hội đóng". Quyền lực được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác và sự nghèo nàn cũng tương tự như vậy. Ngoài ra, nhiều người Trung Quốc là một phần của tầng lớp trung lưu tại các nước khác - công chức, chủ doanh nghiệp nhỏ, giáo viên, giám đốc, từ chối được coi là như vậy tại Trung Quốc. Tại sao? vì theo ông Guo Yuhua, họ không có cảm giác an toàn về nghề nghiệp và kinh tế. "Ngôi nhà của bạn có thể bị san phẳng chỉ sau một đêm. Bạn có thể bị trục xuất khỏi nơi ở. Không có gì đảm bảo cho một sự ổn định".
Để bảo vệ mình, người Trung Quốc muốn trở nên giàu có, giàu có hơn nữa ngay có khi điều đó có nghĩa là họ sẽ bị ghét.
- Hoài Linh (Theo Le Monde, WC)