Một loạt bê bối gần đây xảy ra ở Bảo tàng cung điện - Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh đã khiến người Trung Quốc đặt câu hỏi về sự tín nhiệm lẫn những vấn đề an ninh đằng sau các bức tường của Tử Cấm Thành.


Bê bối mới nhất nổ ra khi các quan chức bảo tàng bị buộc tội che giấu một vụ biển thủ hồi 2009 bằng cách trả 100.000 tệ (15.588 USD) để ngăn một cuốn băng khỏi được phát tán rộng rãi, các nguồn tin cho hay. Cuộn băng được cho là ghi lại cảnh các hướng dẫn viên du lịch và nhân viên bảo vệ bỏ túi tiền bán vé.

Thay vì báo cáo về cuốn băng cùng với đề nghị bồi thường 200.000 NDT cho nhà chức trách, lãnh đạo bảo tàng đã trả tiền cho một nhân vật ẩn danh để giữ im lặng về vấn đề này. 

Vụ việc trên xảy ra ngay sau khi có cáo buộc của một người dẫn chương trình của truyền hình quốc gia Trung Quốc rằng Tử Cấm Thành được dùng làm câu lạc bộ kín cho các đại gia. Với phí thành viên 150.000 tệ, bất cứ ai cũng có thể biến một phần địa điểm lịch sử này thành câu lạc bộ riêng.

Hồi tháng 7, ban quản lý bảo tàng phủ nhận 5 bức thư pháp đời Tống (960-1279) đã bị đem bán đấu giá bí mật. Ngoài ra, một vụ trộm xảy ra ở Tử Cấm Thành trong năm nay cũng làm dấy lên lo ngại về tình hình giám sát vốn được coi là chặt chẽ, khi một du khách khoét tường và đánh cắp một số món đồ giá trị 10 triệu tệ (1,5 triệu USD). Ba ngày sau vụ trộm, cảnh sát Bắc Kinh bắt Shi Baikui, 28 tuổi tại một quán cà phê Internet và thu hồi một phần số món bị trộm.

Dùng tiền đè Tử Cấm Thành

Phát thanh viên Rui Chenggang của đài truyền hình trung ương Trung Quốc hôm 11/5 viết trên blog của mình rằng cung Kiến Phúc - một phần của quần thể Tử Cấm Thành, đã trở thành "câu lạc bộ kín dành riêng cho 500 nhân vật giàu có nhất thế giới".

Trong bài viết trên blog, Rui nói, một hướng dẫn viên du lịch nước ngoài nói với anh ta hai ngày trước rằng vừa tổ chức một bữa tối cho một gia đình tỷ phú tới từ Mỹ tại một phòng tiệc trong Tử Cấm Thành, căn phòng này không mở cửa cho công chúng. Rui tiết lộ rằng một công ty và một tổ chức quản lý Tử Cấm Thành chịu trách nhiệm về câu lạc bộ này.

Chang Lingxing, nhân viên quan hệ công chúng của công ty quản lý Tử Cấm Thành nói, các cáo buộc trên là vô căn cứ và rằng công ty đã có phúc đáp chính thức với thông tin trên blog qq.com.

"Địa điểm đó chủ yếu được dùng để tiếp đón các vị khách quý ở trong và ngoài nước, là nơi tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa như họp báo, giảng dạy và triển lãm, chứ không hề tồn tại cái gọi là câu lạc bộ bí mật dành cho các tỷ phú hàng đầu".

Cung Kiến phúc được xây lại vào 2005 từ tiền của Quỹ di sản Trung Quốc đặt tại Hong Kong sau khi nó bị thiêu trụi vào năm 1924. Nhiều nhân vật nổi tiếng, gồm cả những người đóng góp trùng tu đã tới thăm cung này.

Trộm vặt chọc thủng hệ thống an ninh

Tử Cấm Thành gần 600 năm tuổi, một nơi được cho là bất khả xâm phạm với hệ thống bảo vệ và an ninh dày đặc đã bị chọc thủng vào tối 8/5. Một tên trộm 27 tuổi đã đột nhập vào trung tâm Tử Cấm Thành bất chấp hệ thống báo động và camera an ninh, cướp đi các hộp nữ trang và những chiếc ví giá hàng triệu USD, rồi trèo qua tường, trốn thoát an toàn.

Vụ việc khiến các quan chức được chính phủ bổ nhiệm chịu trách nhiệm về Tử Cấm Thành rơi vào tình thế khó khăn: Họ phải giải thích với công chúng về việc tại sao 1.600 cái chuông chống trộm và 3.700 chiếc camera an ninh được lắp đặt khắp nơi lại không ngăn được tên trộm. Ngoài ra, họ cũng phải giải thích tại sao số đồ vật bị mất cắp không được bảo hiểm đầy đủ.

Che đậy xì căng đan

Có lẽ cáo buộc nghiêm trọng nhất với công ty quản lý Tử Cấm Thành xuất phát từ một bài viết trên blog hôm 30/7 rằng một chiếc đĩa sứ rất quý đời Tống đã vỡ làm 6 miếng vào ngày 4/7, khi một nhà nghiên cứu giẫm phải nó trong khi đang xem xét chiếc đĩa bằng một thiết bị. Dù công ty quản lý Tử Cấm Thành đã xác nhận thông tin trên một ngày sau khi thông tin được tung ra trên blog nhưng công chúng Trung Quốc vẫn bất bình về việc tại sao các quan chức bảo tàng lại giấu thông tin tới gần 1 tháng.

Ngoài ra, theo nhật báo thanh niên Trung Quốc, công ty quản lý Tử Cấm Thành bị tố đấu giá trái phép  5-6 bức thư pháp. Luật bảo vệ văn hóa Trung Quốc cấm bảo tàng bán bất cứ một bộ sưu tập nào.

  • Hoài Linh (Theo BusinessInsider, Global Times)