Những tiết lộ mới gây sốc về mối quan hệ bí mật giữa tình báo Libya dưới
quyền Muammar Gaddafi và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cùng MI6 của Anh
không gây ngạc nhiên.
Mỹ và Anh luôn hợp tác với một số chính phủ hà khắc nhất bất cứ khi nào điều đó
phù hợp với lợi ích của họ và lên án gay gắt những người có lập trường không lệ
thuộc. Tuy nhiên, những tiết lộ mới đã hé mở tại sao NATO lại can thiệp vào
Libya để hạ bệ một người mà họ từng hợp tác chặt chẽ để trấn áp những biểu lộ
dân chủ ở đất nước này.
Thú vị nhất là các tài liệu tình báo được tìm thấy tại nhà ở Tripoli của cựu chỉ
huy tình báo dưới quyền Gaddafi và Bộ trưởng Ngoại giao Moussa Koussa. Nổi tiếng
vì sự cứng rắn chống lại những người bất đồng quan điểm Libya, Koussa đã đào tẩu
sang Anh ngay từ khi cuộc cách mạng ở Libya bắt đầu. Sau khi được thẩm vấn ở đó,
ông này được đưa tới Mỹ. Ngày nay, Koussa đang sống thoải mái tại một trong
những quốc gia Vùng Vịnh.
Trong một số tài liệu, CIA đã nói với nhà cầm quyền lâu năm của Libya: "Chúng
tôi tha thiết muốn hợp tác với ngài và muốn thẩm vấn bọn khủng bố". Trong một lá
thư khác gửi tới Koussa, MI6 viết: "Gửi Moussa" (chứng tỏ sự thân tình và đích
thân khi sử dụng tên gọi của ông). "Cảm ơn về những quả cam ngài gửi cho chúng
tôi. Chúng rất ngon".
Dường như "những quả cam" ở đây là các nghi phạm khủng bố được trao cho MI6 và
CIA để tra tấn nhằm khai thác thông tin. Người Libya đã trở thành những quả cam
và việc tra tấn họ rất thích thú. Thực tế, MI6 đang bí mật thu thập thông tin về
những người bất đồng chính kiến Libya ở Anh và chuyển thông tin cho ông Gaddafi
để theo dõi. Mối quan hệ giữa MI6 và Gaddafi chắc chắn đến mức họ từng viết một
bài phát biểu cho nhà lãnh đạo Libya.
Tuy nhiên, mối quan hệ này không giới hạn ở việc chia sẻ thông tin tình báo và
tra tấn các nghi phạm khủng bố. Các thông tin còn cho thấy, trung tâm của sự hợp
tác này là các mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng giữa Gaddafi và các tập đoàn
phương Tây. Các hãng dầu và các công ty xây dựng phương Tây nhận được những hợp
đồng béo bở trong khi các ngân hàng của họ nhận được các khoản tiền gửi trị giá
hàng tỷ đôla của Libya. Thực vậy, vào những ngày cầm quyền cuối cùng, Gaddafi đã
được chấp nhận và ăn tối, uống rượu với Barack Obama, Gordon Brown, Tony Blair,
Silvio Berlusconi, Nicolas Sarkozy...
Vậy tại sao phương Tây lại bỏ rơi Gaddafi nhanh như vậy, đặc biệt là vào một
thời điểm đôi bên đều sẵn sàng kết thân với nhau? Tại sao phương Tây bỗng nhiên
quan tâm đến dân chủ ở Libya và bảo vệ dân thường vô tội khỏi bàn tay trấn áp
của Gaddafi? Chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng người ta có thể suy luận một vài
bài học từ thực tế này. Sự lan rộng của cách mạng dân chủ từ Tunisia tới Ai Cập
và tiếp tục tới Ảrập Xêút, Yemen, Jordan, Syria và Bahrain đã gây sốc cho phương
Tây.
Mặc dù phương Tây luôn kêu gọi dân chủ ở thế giới Ảrập bằng những ngôn từ hoa
mỹ, trên thực tế họ luôn thúc đẩy các chế độ đàn áp dân chủ. Các hệ thống quản
lý ở khu vực này rất độc đoán: quyền lực tập trung trong tay một người chuyên
quyền có thể là một tiểu vương hay một nhà lãnh đạo quân sự/dân sự đứng trên cả
luật pháp. Người đó tổ chức các nhóm tinh nhuệ địa phương đứng đằng sau mình. Họ
đẩy mạnh quan hệ liên minh với các lợi ích kinh tế phương Tây để chiếm đoạt các
nguồn dầu lửa vì lợi ích của cả hai bên và để dẹp bỏ những yêu cầu của người dân
bình thường.
Tuy nhiên, dưới chế độ này, những thay đổi cấu trúc chính đã diễn ra trong một
khu vực khiến sự cải biên không bền vững. Thứ nhất, những xã hội này đang chứng
kiến một sự lớn mạnh của tuổi trẻ. Thứ 2, sự phổ cập giáo dục đã khiến cho hầu
hết các công dân ở nhiều nước Ảrập học hết trung học, nhiều người lên đại học.
Thứ ba là các mức thu nhập ngày càng tăng - thu nhập trên đầu người ở Ai Cập là
7.000 USD, Tunisia là 10.000 USD, Libya là 13.000 USD... Thứ tư, sự phổ biến của
công nghệ liên lạc hiện đại - điện thoại di động và các trang mạng xã hội như
facebook và twitter đã trao cho những người trẻ tuổi có học nhiều công cụ hiệu
quả để tổ chức, huy động và phối hợp.
Trong bối cảnh đó, cách mạng dân chủ được sinh ra, nỗ lực đưa các chính phủ vào
hoạt động hiệu quả, phục vụ cả đất nước thay vì các lợi ích cá nhân; các chính
phủ phải đáp ứng được yêu cầu của người dân thay vì các ông chủ ở Paris, London
và Washington. Phương Tây rất ngạc nhiên và phải chiến đấu để giành quyền kiểm
soát các cuộc cách mạng đó.
Ở Ảrập Xêút và Bahrain, nơi các chính phủ mạnh hơn, họ nhắm mắt làm ngơ trước
mọi sự. Ở Tunisia và Ai Cập, nơi các chính phủ yếu hơn, phương Tây giúp thực
hiện các cuộc đảo chính quân sự mà bề nổi có vẻ thể hiện các khát vọng dân chủ
của người dân. Ở Jordan và Yemen, họ cho phép các nhà lãnh đạo địa phương tái
thiết lập ảnh hưởng của mình.
Dường như trong tất cả các chế độ đó, yếu nhất là chính phủ của Gaddafi. Tình
báo có thể cho thấy những người dân chủ ở Benghazi sắp thắng cuộc; Gaddafi là
một nguy cơ và vì vậy có thể đáng bị hy sinh. Tuy nhiên, phương Tây không có
quan hệ với quân đội Libya để thực hiện một cuộc đảo chính như đã làm ở Ai Cập
và Tunisia. Và họ sẽ làm thế nào để kìm giữ cách mạng dân chủ nhằm đảm bảo sẽ
không thể có một nhóm họ không kiểm soát được lên cầm quyền?
Một cách là can thiệp về mặt quân sự để ủng hộ các lực lượng dân chủ tập trung ở
Benghazi. Sự hỗ trợ về quân sự, tài chính và công nghệ có thể mang lại cho các
cường quốc phương Tây một tiếng nói mạnh mẽ trong phong trào dân chủ và rốt cục
chiếm đoạt để điều khiển cuộc cách mạng ấy. Phương Tây sẽ ở vị trí đề xuất ai sẽ
lên làm lãnh đạo, những chính sách nào mà chính phủ mới nên làm theo và thậm chí
có ảnh hưởng đáng kể đến việc định hình đặc tính và hệ tư tưởng của các thể chế
mới nổi lên, đặc biệt là các cơ quan tình báo và quân sự. Ngôn ngữ của chủ nghĩa
nhân đạo sẽ được sử dụng để che đậy một ý đồ đế quốc to lớn.
Vì vậy, dù cần phải có một sự tương đồng với đặc tính dân chủ, hệ thống mới
trước tiên phải tìm cách chống đỡ sự kiểm soát của phương Tây về quyết định xây
dựng quyền lực sống còn ở Libya chủ yếu vì các lợi ích của phương Tây trước rồi
mới đến lợi ích của người Libya. Gaddafi đã bị tấn công vì ông ta có thể bị hy
sinh, chứ không phải ông này dọa giết người dân của mình, và cũng bởi vì Libya,
với các mỏ dầu lớn nhất ở châu Phi, quan trọng tới mức không thể rơi vào tay
những người mà phương Tây không thể kiểm soát.
Thanh Hảo (Theo Independent)