Mối quan hệ giữa Tony Blair và đại tá Muammar Gaddafi đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi có tin cựu Thủ tướng Anh đã có 6 cuộc gặp bí mật với lãnh đạo Libya trong 3 năm sau khi ông rời Phố Downing. 

Năm trong số các cuộc gặp này diễn ra trong khoảng thời gian 14 tháng trước khi trả tự do cho Abdelbaset al-Megrahi, thủ phạm vụ đánh bom Lockerbie trên bầu trời Scotland. 

Blair hiện đang hứng chịu áp lực ngày càng tăng về việc phải công bố chi tiết tất cả các cuộc gặp và thảo luận giữa ông và Gaddafi. Thực tế này nảy sinh sau khi báo The Sunday Telegraph tiết lộ hồi tuần trước rằng ít nhất 2 lần ông Blair đã bay tới Tripoli bằng một máy bay riêng do chính phủ Libya chi trả. 

Trong số các cuộc gặp mới do báo này phát hiện có một chuyến thăm hồi tháng 1/2009, khi JP Morgan - ngân hàng đầu tư Mỹ trả ông Blair 2 triệu Bảng một năm cho vai trò cố vấn cấp cao - đang cố gắng thương lượng một thỏa thuận giữa Cơ quan Đầu tư Libya (LIA) và một công ty do Oleg Deripaska người Nga, một người bạn của Lord Mandelson (Bộ trưởng Kinh doanh Anh), điều hành. Thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đôla, vốn thất bại sau đó, sẽ chứng kiến LIA cung cấp một khoản vay cho Rusal, nhà sản xuất aluminium lớn nhất thế giới. 

Sự liên quan của JP Morgan trong thỏa thuận này được tiết lộ trong một email mà Lord Renwick, phó chủ tịch của ngân hàng này, gửi cho LIA hồi tháng 12/2008, trong đó ông muốn "hoàn tất các điều khoản về sự ủy nhiệm liên quan tới Rusal trước chuyến thăm của ông Blair tới Tripoli". 

JP Morgan khẳng định ông Blair không hay biết về đề nghị của Rusal. Một phát ngôn viên nói thêm: "JP Morgan từ chối tham gia vào một giao dịch như vậy, và do đó, ông Blair không bao giờ liên quan, và vấn đề chưa bao giờ được thảo luận với ông ấy". 

Một phát ngôn viên của ông Blair nói: "Cả Tony Blair và bất cứ một nhân viên nào của ông đều không nêu bất kỳ vấn đề nào với một công ty aluminium Nga". Ông này nói thêm rằng "đa số cuộc hội thoại" với Gaddafi đều là về châu Phi và cách thức Libya phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi Gaddafi đề nghị trả tự do cho Megrahi, ông Blair luôn nói rằng "đó là vấn đề dành cho chính phủ Scotland", người phát ngôn này nhấn mạnh thêm.

Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness), một nhóm vận động chống tham nhũng có được email của Rusal, nói rằng các mối quan hệ của ông Blair với LIA gây ra những xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa các vai trò của ông là một phái viên hòa bình Trung Đông, một người gây quỹ ở châu Phi và một cố vấn kinh doanh. 

Phát ngôn viên của ông Blair phản hồi: "Tony Blair chưa từng có một vai trò nào, hoặc chính thức hoặc không chính thức, được trả tiền hoặc không được trả tiền, với LIA hoặc chính phủ Libya, và ông không và chưa từng có bất cứ một mối quan hệ thương mại, kinh doanh hay cố vấn nào với một công ty hoặc thực thể Libya". 

The Sunday Telegraph còn tiết lộ rằng, Bộ Ngoại giao Anh đã cấp một visa cho con gái Hana của Gaddafi tới Anh năm ngoái, thậm chí khi cô này được cho là đã thiệt mạng trong một vụ ném bom của Mỹ năm 1986. Bằng chứng cũng cho thấy quy mô đầy đủ của các thỏa thuận giữa Anh với Khamis Gaddafi, con trai của ông Gaddafi, người đứng đầu Lữ đoàn Khamis bị cáo buộc thực hiện nhiều hành động tội ác.

Thanh Hảo (Theo Telegraph)