Nhiều tiên đoán đã được các nhân vật nổi tiếng thế giới đưa ra trong năm 2010 nhưng sự thật đã chứng minh điều ngược lại. Dưới đây là một số dự đoán tệ nhất:
TIN LIÊN QUAN:

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden

"Nhiều người hơn sẽ có việc làm trong mùa hè này" - Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 17/6.

"Mùa hè hồi phục", như Nhà Trắng gọi như vậy, đã có vẻ là một lời dự đoán tốt đẹp đối với chính quyền Tổng thống Barack Obama sau khi hơn 300.000 việc làm mới được tạo ra trong khoảng thời gian giữa tháng 3 và tháng 5. Tuy nhiên, nền kinh tế trên thực tế đã thu hẹp trong suốt mùa hè. Tính đến tháng 8, tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực tư nhân giảm tới 2/3, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 9,5% và tăng trưởng GDP tụt xuống còn 2,4%.

"Mùa hè thất vọng" cũng nhanh chóng chuyển sang mùa thu chán ngán khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 là 9,8% - và cử tri đã phạt đảng của ông Biden vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

"Thị trường đang cho bạn biết rằng có điều gì đó không được ổn lắm... Nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại. Thậm chí rất có thể chúng ta còn chứng kiến một sự đổ vỡ vào lúc nào đó trong 9-12 tháng tới" - chuyên gia phân tích đầu tư Marc Faber dự đoán khi trả lời phỏng vấn trên Bloomberg ngày 3/5.

Thực tế, nền kinh tế Trung Quốc có chậm lại kể từ sau dự đoán trên.... nhưng vẫn ở mức kinh ngạc: 9,5% - một trong những tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới và trên cả mục tiêu 8% mà Bắc Kinh đề ra.

Một dự đoán bi quan khác về Trung Quốc năm nay là của nhà đầu tư James Chanos. Ông cho rằng, bong bóng tài sản của quốc gia này sẽ bắt đầu vỡ vào cuối năm 2010, với hậu quả tồi tệ gấp 1.000 lần so với Dubai, thậm chí còn nặng hơn. Tuy nhiên, các giá trị tài sản vẫn tiếp tục tăng lên dù chúng cũng có vẻ như bắt đầu giảm tốc.

"Các trại giam Vịnh Guantanamo sẽ đóng cửa sớm, chậm nhất là một năm kể từ ngày ra quyết định. Nếu còn bất cứ cá nhân nào tiếp tục bị giam giữ ở Guantanamo đến thời điểm đóng cửa, họ sẽ được trả về quê hương, được trả tự do, được chuyển tới các nước thứ ba hoặc chuyển sang nhà tù khác ở Mỹ theo cách phù hợp với luật pháp, các lợi ích an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của Mỹ" - Tổng thống Barack Obama, Sắc lệnh ngày 22/1/2009.

Không đúng nghĩa là một dự đoán nhưng cam kết đóng cửa nhà tù Guantanamo của Tổng thống Obama là một lời hứa chủ chốt trong chiến dịch tranh cử Tổng thống và dường như vẫn rất chắc chắn trong những tuần lễ đầu tiên ông tại vị. Tuy nhiên, hạn chót 22/1/2010 đã qua đi mà vẫn còn 196 tù nhân bị giam giữ ở Guantanamo. Hiện nay, con số này còn 174 và chỉ có 3 người trong số họ bị tuyên tội tại tòa.

Rõ ràng, Tổng thống Obama đã phải đối mặt với nhiều rào cản, từ những tranh cãi pháp lý mà người tiền nhiệm của ông để lại cho tới việc các chính phủ nước ngoài không muốn tiếp nhận các tù nhân. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp Cộng hòa không tán thành chủ trương đưa nghi phạm Guantanamo ra tòa dân sự.

Trong khi đó, chính quyền Washington đang có kế hoạch tạm giữ 50 nghi phạm không qua xét xử ở Mỹ, bất kể nhà tù Guantanamo có đóng cửa hay không.

Mới đây, Thượng viện Mỹ bắt đầu xem xét một dự luật có nội dung phong tỏa sắc lệnh đóng cửa nhà tù đình đám này cùng chính sách đưa tù nhân ra tòa dân sự. Dự luật mới nhiều khả năng sẽ giành được thêm sự ủng hộ từ Quốc hội mới, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số. Vì vậy, ông Obama khó mà thực hiện được cam kết đã đưa ra trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

"Chúng tôi đã tạo dựng được chính quyền, sẵn sàng vận hành", Tướng Stanley McChrystal nói ngày 12/2.

Chiến dịch tấn công thành phố Marjah ở miền nam Afghanistan, một đại bản doanh của Taliban, được cho là bước ngoặt đối với liên quân ở đất nước Nam Á. Các lực lượng NATO sẽ giành được thành phố trong nỗ lực giảm thiểu tối đa thương vong dân thường và nhanh chóng xây dựng bộ máy chính quyền, trong đó có một thị trưởng và 1.900 cảnh sát nhằm đảm bảo an ninh ngay khi chiến dịch kết thúc.

Chiến dịch được lên kế hoạch công phu và rùm beng này sẽ là một mô hình cho các mục tiêu lớn hơn, khó hơn,  chẳng hạn như Kandahar. Vào ngày 2/3, ngay sau khi quân Mỹ tiếp quản thành phố, Tướng McChrystal nói với tờ Washington Post rằng: "Chúng tôi chưa phải ở chặng cuối của giai đoạn quân sự, nhưng rõ ràng chúng tôi đang tiến sát đến".

Sau đó 9 ngày, McChrystal miêu tả Marjah là "cái ung độc đang chảy máu" trong chiến dịch Afghanistan, khi liên quân phải đối mặt với các quan chức địa phương yếu kém và một lực lượng nổi dậy mạnh không ngờ. Như lời của một người dân thì "Ban này chính quyền làm chủ nhưng ban đêm thuộc về Taliban".

Trong tháng 12, gần một năm sau cuộc tấn công khởi đầu, chỉ huy của Mỹ tại khu vực, Richard Mills, cuối cùng phải tuyên bố rằng chiến dịch "về cơ bản đã kết thúc", mặc dầu ông thừa nhận rằng Taliban vẫn rất mạnh ở các vùng ngoại ô.

"Có khả năng cao là nước Mỹ sẽ sụp đổ trong năm 2010", Igor Panarin - Viện trưởng Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga - phát biểu tại Học viện ngày 3/3/2009.

Có thể dễ dàng bỏ qua nếu ông Panarin là một người kỳ quặc, nhưng cự chuyên gia phân tích KGB này lại đứng đầu một học viện chuyên đào tạo các nhà ngoại giao tương lai và một nhân vật thường được các đài truyền hình mời phát biểu.

Trong nhiều năm, Panarin dự đoán rằng tình trạng nhập cư, suy thoái kinh tế và suy đồi đạo đức sẽ cùng dẫn tới sự sụp đổ của Mỹ vào năm 2010. Không chỉ có vậy, ông còn tin rằng vào tháng 6 hoặc 7, Mỹ sẽ tách ra làm 6 khu vực tự trị, và Alaska cuối cùng sẽ thuộc về quyền kiểm soát của Nga.

Các giả thuyết của Panarin bắt đầu gây chú ý trên toàn thế giới sau khủng hoảng kinh tế năm 2008. Nhưng trên thực tế, một nước Mỹ nguyên vẹn đã vượt qua cả một mùa hè dài và nóng nực 2010.

Thanh Hảo (Theo FP)