Sau nhiều tuần bỏ nhà đi lánh nạn trong cuộc chiến chống đại tá Muammar Gaddafi, hàng nghìn người da đen Libya đã kéo tới tìm kiếm chỗ trú ẩn ở một khu trại nghèo khổ mà họ hy vọng chỉ là tạm thời.

TIN LIÊN QUAN:


Người da đen ở Libya bị ngược đãi vì họ bị nghi ngờ cấu kết với nhà lãnh đạo bị lật đổ.

Một thời là cư dân của Tawergha, thành trì của Gaddafi, các gia đình giờ đây sống vất vưởng ở một khu nhà bụi bặm đầy rác rưởi với một một nhóm người từ thành phố Benghazi tự nguyện đến đây hỗ trợ nhằm ngăn chặn dịch bệnh khi số người tị nạn tăng lên. 

Người da đen bị ngược đãi

Hành trình đông tiến của cả nhóm bắt đầu từ mùa hè vừa qua, khi các lực lượng ủng hộ Gaddafi tràn qua Tawergha và nhiều nhóm đông bắt đầu cướp phá nơi này, bỏ lại phía sau họ một thị trấn ma.  

"Họ cầm súng và dao săn đuổi chúng tôi", Ibrahim Med Khaled, một tài xế taxi 24 tuổi, cho biết. Anh này mới đến một nơi từng là công trường xây dựng sau khi trải qua nhiều tuần lễ lẩn tránh các đám đông thù địch ở khắp miền tây Libya rồi bị những người có vũ trang bắt giữ. 

"Họ đưa tôi đến một ngôi nhà rồi đánh tôi bằng dây điện để buộc tôi phải nhận mình đã làm việc cho Gaddafi, thậm chí tôi đã nói với họ là tôi chưa từng cầm súng", anh kể rồi lột áo ra để giơ những vết sẹo chằng chịt do bị tra tấn.

Suốt thời gian diễn ra làn sóng nổi dậy chống Gaddafi, các đối thủ của vị đại tá này cáo buộc ông thuê các tay súng từ những nước láng giềng châu Phi tới và điều này dẫn tới các thông tin về sự ngược đãi nhằm vào người da đen, kể cả người Libya. 

Số người kéo đến khu trại nói trên ngày càng nhiều, từ khi mở cửa mới có khoảng 400 người nhưng đã nhanh chót vọt lên gần 3.000 người chỉ trong vòng 2 tuần, bất chấp tình trạng ọp ẹp, thiếu vệ sinh và điện nước của cơ sở này.

Các nhân viên cứu trợ cho biết, do quá đông nên hàng trăm người phải dựng nơi ở tạm gần đó. Một số đàn ông tại trại này, do lính trung thành với chính phủ mới canh gác, vẫn mặc những chiếc quần ngụy trang mà họ có lẽ đã mang trên người từ mùa hè vừa qua để ủng hộ Gaddafi. 

"Chúng tôi có vấn đề lớn về sức khỏe ở đây', trích lời Randa Muftah Salem-Oun - một sinh viên y khoa 23 tuổi hiện là bác sĩ hàng đầu tại trại, nơi những ngày của cô bắt đầu từ rạng sáng và kết thúc sau nửa đêm. 

"Chúng tôi cần rất nhiều đồ tiếp tế, đồ băng bó vết thương và thuốc men", cô nói và cho biết thêm rằng nhiều người tại trại bị viêm dạ dày, một dấu hiệu cho thấy nguồn thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn - và bệnh viêm gan đã xuất hiện trong số những người ốm yếu.

Nhưng dù các điều kiện tồi tệ đến mức nào, những cư dân nơi đây cho biết họ vẫn không dám trở về quê hương vì sợ bị những nhóm người có vũ trang trả thù.

Nhiều người cáo buộc các tay súng đến từ Tawergha đã có những hành động tàn bạo khi bao vây Misrata, và các câu chuyện về nạn cưỡng hiếp bừa bãi của lính đánh thuê người tiểu hoang mạc Sahara - được tiếp sức bởi những viên Viagra do đại tá Gaddafi phân phát - lan tràn khắp Libya, khiến những người da màu nghi ngờ chính đồng hương của mình.  

Rabha Mouftah, một nữ cư dân Tawergha khác, 38 tuổi và có 4 con, nói rằng không ai nghi ngờ mục đích của đám đông kéo tới thị trấn của cô mùa hè vừa qua. 

"Họ tới để giết người da đen", cô nói trong một căn phòng không có đèn mà cô dùng chung với cả nhà bên con đường vương đầy gạch vỡ. "Chúng tôi quá sợ không dám ra ngoài, vì vậy chúng tôi trốn trong nhiều ngôi nhà khác nhau suốt 7 tuần, sau đó tới đây". 

Bóng ma Gaddafi

Làn sóng di cư khỏi Tawergha là một gánh nặng nữa trong khối lượng công việc ngày càng chồng chất của các lãnh đạo lâm thời thuộc Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (NTC) khi họ cố gắng tái thống nhất đất nước và áp dụng luật pháp trong bối cảnh gặp phải sự phản đối của những người trung thành với Gaddafi.

Nó cũng cho thấy sự chia rẽ tiềm ẩn trong tương lai thời kỳ hậu Gaddafi khi các nhà lãnh đạo nỗ lực hòa hợp các phe nhóm, chẳng hạn như người Tuarag, một bộ tộc da màu du cư mà nhiều người trong số họ vẫn ủng hộ Gaddafi. 

Một số người cho biết có nhiều vụ bắt giữ tùy ý diễn ra trên khắp cả nước nhằm vào những đối tượng bị nghi ngờ cấu kết với ông Gaddafi. 

Trong khi NTC ủng hộ các cư dân Tawargha trở về quê nhà, hội đồng thừa nhận rằng điều đó sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này vẫn còn là một phép thử đối với ban lãnh đạo sắp tới. Phần lớn thành phố nằm trong đống đổ nát và những người ở Misrata cạnh đó cho biết tình hình quá căng thẳng để mà cho phép mọi người trở về, vì điều đó có thể gây thêm bạo lực. 

"Cuối cùng, đó là một bóng ma khác của Gaddafi - người đã trả tiền cho rất nhiều bộ tộc để họ chiến đấu cho ông ta, vì vậy giờ đây hễ nhìn thấy người da đen là mọi người lập tức nghĩ họ ủng hộ Gaddafi, ngay cả khi không phải như vậy", Imad Eddin, một bác sĩ gây mê tự nguyện làm việc tại trại nói trên, bình luận.

Thanh Hảo (Theo Reuters)