Những quả bom hạt nhân mạnh nhất của Mỹ, loại mạnh gấp hàng trăm lần so với quả bom thả xuống Hiroshima, được đem đi phá hủy gần nửa thế kỷ sau khi nó được đưa vào sử dụng trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Tin bài khác:


Những bộ phận cuối cùng của quả bom B53 theo kế hoạch được phá hủy hôm 25/10 tại nhà máy Pantex gần Amarillo - xưởng lắp ráp và tháo dỡ vũ khí hạt nhân duy nhất của Mỹ. Việc phá hủy siêu bom đã hoàn thành một năm trước dự định và phù hợp với mục tiêu giảm số lượng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Obama, cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho hay.


Thomas D'Agostino, người đứng đầu cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia gọi việc phá hủy quả bom trên là một dấu ấn đầy quan trọng.

Được đưa vào hoạt động năm 1962 khi căng thẳng Chiến tranh lạnh lên tới thời kỳ đỉnh điểm - lúc khủng hoảng tên lửa Cuba, quả bom B53 nặng hơn 4,500kg, kích cỡ tương đương một chiếc xe tải nhỏ.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, quả bom này mạnh hơn 600 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật, khiến 140.000 người chết và giúp chấm dứt Thế chiến II.

Bom B53 được thiết kế để phá hủy những cơ sở nằm sâu dưới đất. Máy bay ném bom B52 phụ trách chuyên chở và thả bom này.

Sau khi phá bom B53 hoàn tất, quả bom hạt nhân cực mạnh tiếp theo sẽ được phá hủy là B83, Hans Kristensen, một phát ngôn viên của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ nói. Quả bom này là 1,2 triệu tấn trong khi B53 là 9 triệu tấn.

Việc phá hủy quả bom B53 đã đặt dấu chấm hết cho thời đại những quả bom triệu tấn. Độ lớn của quả bom đã bù trừ cho sự thiếu chính xác của nó. Bom ngày nay nhỏ hơn nhưng chính xác hơn, giúp giảm thiệt hại mà dân thường phải hứng chịu khi có chiến tranh, Kristensen nói.

Do các kỹ sư tạo ra bom B53 dùng các công nghệ cũ, và hiện thời những người đó đã chết hoặc về hưu nên tiến trình phá hủy nó cần thời gian. Các kỹ sư phải phát triển công cụ phức hợp và những quy trình mới để đảm bảo an toàn.

Phần lớn bom B53 được phá hủy từ những năm 1980 song một số lượng lớn bom này vẫn còn trong kho của Mỹ cho tới khi nó được liệt vào dạng không sử dụng năm 1997.

Quả bom này được coi là phá hủy khi khối thuốc nổ cực mạnh bên trong được tách khỏi các vật liệu hạt nhân đặc biệt. Những vật liệu và các thành phần phi hạt nhân sau đó sẽ được xử lý, gồm làm vệ sinh, tái chế và vứt bỏ.

  • Hoài Linh (Theo AP)