Hai tuần sau khi Muammar Gaddafi bị giết tại quê nhà Sirte, dòng tộc của ông này ở đây đang nổi cơn thịnh nộ, cảnh báo rằng máu sẽ nhuộm đỏ Libya trong những năm tới.
Thật khó đánh giá bao lâu nữa thì những ngôn từ đó biến thành hành động, nhưng
chắc chắn nỗi căm hận này là nhằm vào lực lượng nổi dậy, phe đã hạ bệ Gaddafi,
bắt sống rồi giết chết ông trước khi đem chôn xác ở nơi bí mật.
"Liệu bạn có thể quên ai đó đã giết con trai bạn một cách bất công? Không, bạn
sẽ không quên. Người dân ở đây sẽ không bao giờ quên", trích lời Hajj Abu
Mohammed, một thành viên trong bộ tộc Gaddadfa của Gaddafi ở Wadi Garif, nơi
sinh của cố lãnh đạo Libya ngay cạnh Sirte.
"Đây sẽ là mối thù truyền kiếp", Hajj Abu Mohammed tuyên bố khi đang đứng ở một
nơi mà người địa phương nói rằng các ngôi mộ của mẹ Gaddafi cùng ba người thân
khác của ông này đã bị các chiến binh nổi dậy đào bới trong những ngày chiến sự
ở Sirte.
Người dân ở Sirte đặc biệt căm ghét các chiến binh từ Misrata, thành phố lớn
cách đó 250km, vì cho rằng họ đã phá hoại các ngôi mộ trên và gây ra phần lớn
tổn thất cũng như thương vong ở Sirte.
"Họ trộm đồ, đốt nhà cửa và cướp xe của chúng tôi", Umm Khaled than phiền khi cô
ngồi trong một ngôi lều dùng chung trên sa mạc với hàng chục người khác trong
gia đình. "Còn gì nữa ở Libya? Họ không chỉ giết chúng tôi. Họ đã đốt cháy đất
nước này và giết lãnh đạo của chúng tôi".
Nhiều cư dân ở Sirte rất trung thành với Gaddafi. Một số vẫn cất giữ các bức ảnh
của Gaddafi, coi ông như một "Lãnh đạo Tử vì nghĩa".
Nhiều người Libya lo sợ nội chiến có thể bùng phát giữa các bộ tộc và các khu
vực nếu Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) không giải hòa sự thù địch do chiến
tranh gây ra và giải quyết di sản vũ khí trên khắp cả nước.
"Libya là một nền văn hóa bộ tộc, và nếu họ không đảm bảo được sự hòa hợp giữa
các bộ tộc, đất nước sẽ biến thành một bể máu", Abdullah, một thành viên trẻ
thuộc bộ tộc Gaddafi, bình luận.
Thanh Hảo (Theo Reuters)