Đây là pha sảy miệng hi hữu giữa Tổng thống Pháp và Mỹ trong hội nghị G20 vừa qua tại Cannes. Khi đó, cả 2 vị tổng thống đều không biết là micro đang bật.

Bài báo về vụ lỡ lời này trên trang tin tiếng Pháp "Arret sur Images"
Tổng thống Pháp Sarkozy đã nói rằng ông "không thể chịu nổi" Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nghĩ rằng ông Netanyahu là một "người nói dối".

Trang tin tiếng Pháp "Arret sur Images" đưa tin: sau cuộc họp báo tại G20 vào thứ Năm vừa qua, hai tổng thống đã lui về phòng riêng để thảo luận về các vấn đề trong ngày.

Ban đầu, ông Obama chỉ muốn trách ông Sarkozy vì đã không nói trước cho ông biết rằng Pháp có thể bỏ phiếu ủng hộ Palestine trở thành thành viên của UNESCO, dù cho Washington đã phản đối mạnh mẽ động thái này.

 Cuộc nói chuyện sau đó chuyển hướng sang Thủ tướng Netanyahu. Khi đó, ông Sarkozy thừa nhận: "Tôi không thể nào chịu đựng nổi ông ấy. Ông ấy là người nói dối".

Trang tin Ynet của Israel cũng đăng lại thông tin từ "Arret sur Images", ông Obama đã đáp lại: " "Ngài chán ngấy ông ta rồi à? Tôi thì phải đối phó với ông ấy hàng ngày!".

Những ý kiến đó chỉ có thể nói ra trong trường hợp đặc biệt tin cậy, nhưng cả hai lãnh đạo đều không hề biết là mirco của họ vẫn còn đang bật. Do đó, những lời bình luận đáng ra chỉ nên nói riêng với nhau lại bất ngờ bị công khai.

Những lời nói hớ hênh kéo dài trong vài phút, rồi lập tức quay trở lại các vấn đề cá nhân của hai vị lãnh đạo. Tuy nhiên, micro lúc đó vẫn bật nên tất cả các thành viên tham dự buổi họp báo vẫn đeo tai nghe đều có thể nghe thấy. Các tai nghe này được cung cấp để phục vụ cho việc phiên dịch trong suốt buổi họp.

"Khi mà bộ phận truyền thông tại điện Elysée đã phát hiện ra sự cố này thì các micro đã bật trong ít nhất 3 phút" - một nhà báo kể lại cho trang tin tiếng Pháp. Tuy nhiên, nhà báo này cũng cho biết các phóng viên "không có cơ hội tận dụng cơ may này".

Việc không có tờ báo nào đưa tin về việc này có thể được giải thích theo lý lẽ mà trang tin tiếng Pháp đưa ra là, các phóng viên có mặt tại sự kiện lúc đó đều được yêu cầu ký vào một bản thỏa thuận giữ kín các lời bình luận này.

Hôm qua, một thành viên của bộ phận truyền thông xác nhận "các nhà báo có thảo luận với nhau và họ thống nhất không đưa tin về các lời bình luận này do tính nhạy cảm của vấn đề".

  • Lê Thu (theo Foreign Policy/ Ynet)