Một cụ già Do Thái ở Brooklyn, Anh, đã dành hàng chục năm làm người kết bạn qua thư với các lãnh đạo thế giới, trong đó có John F Kennedy, Ayatollah Khomeini và nhà lãnh đạo Libya bị giết chết, đại tá Muammar Gaddafi. 

TIN BÀI KHÁC:


Louis Schlamowitz nói cụ đã trở thành một phần của lịch sử.
Trong căn hộ tại khu dân cư Canarsie của Louis Schlamowitz, một bức ảnh có chữ ký của Tổng thống John F Kennedy (JFK) nằm phía trên một tấm ảnh Tướng Manuel Noriega của Panama có chữ ký với những lời chúc tốt đẹp nhất. 

Tuy nhiên, có một người luôn im lặng trước những lá thư của Schlamowitz: Nữ hoàng Anh. Bà chưa một lần đích thân hồi đáp người săn tìm bút tích năm nay 81 tuổi này.

"Nữ hoàng chỉ viết cho những người bà đã gặp", cụ Schlamowitz - từng là một ngườn bán hoa và là cựu chiến binh của cuộc chiến Triều Tiên - giải thích. Hiện tại, cụ ông này vẫn gìn giữ bức ảnh có từ 30 năm trước của Nữ hoàng và phu quân Philip do Cung điện Buckingham gửi tới.

Schlamowitz có trong tay 60 album chứa thư từ và ảnh có chữ ký của các nhà lãnh đạo thế giới, các ngôi sao điện ảnh và người hùng thể thao.

Tất cả bắt đầu khi cụ được điều động tới Hàn Quốc với Quân đội Mỹ năm 1953 và một người bạn gợi ý cụ dùng một tấm thiệp Giáng sinh thừa để viết cho Tổng thống Harry Truman, với hy vọng mong manh rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ hồi âm. 

Khi nhận được hồi âm từ Nhà Trắng, Schlamowitz đã tìm ra sở thích của mình. Cụ bắt đầu cắt ảnh trên các báo, viết tên của các nhân vật công chúng cùng ngày tháng năm sinh và các dịp kỷ niệm của họ. 

"Không phải ai cũng trả lời tôi, nhưng hầu hết mọi người đều làm thế", Schlamowitz cho biết. "Tôi viết những thứ tốt đẹp gửi tới họ, nhưng thế không có nghĩa là tôi thành thật".

Schlamowitz, một người Do Thái sùng đạo, đã trao đổi thư từ một cách say sưa với các lãnh đạo Trung Đông, những người không công nhận Nhà nước Israel. "Thế không có nghĩa là tôi đồng ý với họ", cụ khẳng định. "Tôi chỉ muốn thêm họ vào bộ sưu tập của mình".

Schlamowitz thường xuyên viết thư cho nhà lãnh đạo bị lật đổ của Libya, đại tá Muammar Gaddafi, chẳng hạn như chúc mừng ông này nhân dịp kỷ niệm cách mạng. Kết quả là cụ nhận được những lá thư dài chửi bới Mỹ và Israel. 

"Tôi ngừng viết thư cho ông ta vào năm 2000", cụ Schlamowitz nói. "Tôi chán ngấy với sự tuyên truyền".

Schlamowitz cho biết, việc cụ viết thư gửi các nhà lãnh đạo thù địch với Mỹ đã khiến cụ bị người của CIA, FBI và Bộ An ninh Nội địa "ghé thăm" trong nhiều năm. 

Gaddafi là một nguyên nhân gây lo ngại đặc biệt: Các điệp viên CIA thắc mắc tại sao cụ Schlamowitz lại trao đổi thư từ với lãnh đạo của một chính phủ bị tình nghi đứng sau vụ đánh bom Lockerbie. 

"Nhưng đó là một thói quen", Schlamowitz cho biết khi cụ giải thích với một người khả nghi là sĩ quan CIA. 

Mặc dù phải chịu các kiểu thẩm vấn như vậy, Schlamowitz vẫn rất tự hào về các album Trung Đông của mình. Trong đó có Ayatollah Ruhollah Khomeini của Iran, cựu lãnh đạo Phong trào Giải phóng Palestine Yasser Arafat và Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, người bị ám sát năm 1981. 

Phong trào Mùa xuân Ảrập đã lật đổ nhiều nhà lãnh đạo mà cụ Schlamowitz đã từng trao đổi thư từ, chẳng hạn như Hosni Mubarak của Ai Cập, người đã gửi những lời chúc Giáng sinh từ Cairo tới Canarsie. 

"Tôi nghĩ Mubarak đã làm điều đúng đắn khi từ chức", cụ Schlamowitz đánh giá. "Gaddafi lẽ ra cũng nên hành động như thế. Chính trị là một trò chơi tàn bạo". 

Louis Schlamowitz từ chối rất nhiều lời đề nghị mua các bộ sưu tập của cụ và dự định tặng chúng cho gia đình mình.

Những album quý giá của Schlamowitz đã khiến cho nhiều nhà môi giới và sưu tập lui tới Canarsie trong nhiều năm qua. 

Schlamowitz đã bán một số món từ các bộ sưu tập JFK và Marilyn Monroe song hầu hết các album vẫn còn nguyên vẹn, và cụ dự định sẽ dành tặng chúng cho gia đình mình. 

Schlamowitz cho biết cụ định sẽ "lại" viết thư gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama, và tới Thống đốc Andrew Cuomo của New York.

Schlamowitz than phiền rằng cụ không thể cầm bút như xưa được nữa nhưng trao đổi thư từ giữ cho cụ luôn bận rộn. "Tôi cảm thấy thích thú khi họ viết trả lời. Tôi không có gì đặc biệt, chỉ là một gã bình thường, và giờ tôi là một phần của lịch sử", cụ Schlamowitz tâm sự.


Thanh Hảo
(Theo BBC)